Khuyến khích phát triển điện mặt trời trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều nay (12/3/2021), ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã trả lời một số câu hỏi của các phóng viên liên quan đến việc phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, và giải pháp huy động vốn cho ngành điện theo Quy hoạch Điện VIII.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Rà soát tình hình phát triển điện mặt trời toàn quốc

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, điện mặt trời mái nhà là loại năng lượng sạch, có tính chất phân tán, với định hướng phát triển chủ yếu là tiêu thụ tại chỗ, nhờ đó giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng diện tích mặt bằng mái nhà và hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện.

Với quy mô từ vài kW đến 1MW, phù hợp với việc phát triển ở các hộ dân, doanh nghiệp có quy mô không lớn.

Việc ban hành Quyết định 13 của Thủ tướng hay Thông tư 18 của Bộ Công Thương cũng nhằm khuyến khích phát triển mạnh mẽ loại hình năng lượng tái tạo này.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 31/12/2020, toàn quốc có khoảng 106.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất lắp đặt khoảng 7.800 MWac, đóng góp nguồn điện đáng kể cho hệ thống điện quốc gia và phục vụ cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Giá điện trong Quyết định 13 có hiệu lực đến hết năm 2020, do vậy có nhu cầu ban hành cơ chế, chính sách mới cho phát triển điện mặt trời nói chung, trong đó có điện mặt trời mái nhà.

Đối với điện mặt trời mặt đất và mặt nước, xu hướng chung là lựa chọn nhà đầu tư trong đó có việc xác định giá theo phương thức đấu thầu.

Còn với điện mặt trời mái nhà, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết đang tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ tiếp tục áp dụng cơ chế giá FIT.

Lý giải cho vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng hiện đã có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ sản xuất điện mặt trời trong thời gian vừa qua, nên chi phí thiết bị, chi phí sản xuất điện mặt trời mái nhà đã giảm nhanh; đồng thời hiệu suất của các tấm pin năng lượng mặt trời cũng được nâng cao, từ khoảng 16-17% lên mức 19-20%, tức sản lượng điện thu lại cao hơn.

“Đơn cử, năm 2019 trở về trước, giá mua điện mặt trời mặt đất là 9,35UScent/kWh thì đã được thu hút khá nhiều nhà đầu tư quan tâm tham gia, đến khi giá FIT đó giảm xuống 7,09UScent/kWh thì vẫn có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và đề xuất triển khai”, ông Hoàng Tiến Dũng chia sẻ.

Đây cũng là cơ sở để tính toán giảm giá bán điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng với mức giảm 20-30%, hợp lý để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, người mua điện cũng như EVN và Nhà nước trong tiết kiệm chi phí đầu tư lưới điện truyền tải, phân phối.

Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp rà soát tình hình phát triển điện mặt trời tránh hiện tượng ồ ạt dẫn đến quá tải đường dây truyền tải hay gây khó khăn cho vận hành hệ thống điện.

Ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định, việc quá tải này đã xảy ra vào thời điểm năm 2019 - đầu năm 2020, khi mà tại một số địa phương, tốc độ phát triển các dự án điện mặt trời nhanh hơn nhiều so với phát triển các đường dây truyền tải dẫn đến sự tương thích chưa nhịp nhàng giữa nguồn và lưới.

Thời gian qua, EVN đã đầu tư khá nhiều công trình 220kV, 110kV trên địa bàn một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận và những khu vực quá tải; cùng với đó Nhà nước cũng cho phép các tập đoàn tư nhân có dự án nguồn điện trên các địa bàn này đầu tư dự án trạm biến áp, đường dây truyền tải.

Về cơ bản, sau khi các công trình đó xây dựng và hoàn thành, đến nay việc quá tải do các dự án năng lượng tái tạo đã được giải quyết.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Đối với vấn đề dư thừa công suất thời điểm cuối năm 2020 do các dự án điện mặt trời phát triển mạnh mẽ, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết năm 2020 đặt ra kế hoạch sản xuất điện khoảng 260 tỷ kWh, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu điện thấp hơn kế hoạch khoảng 16 tỷ kWh, vì vậy hầu hết các nguồn điện đã phải giảm phát để phù hợp phụ tải lưới điện cũng như nhu cầu điện, không chỉ riêng năng lượng tái tạo mà cả các nguồn điện truyền thống.

Để rà soát lại vấn đề phát triển điện mặt trời, ngày 5/3/2021, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra theo chỉ đạo. Ngày 8/3/2021, Bộ đã có Công văn số 1216/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh, EVN rà soát báo cáo các nội dung có liên quan và cử đầu mối phối hợp với đoàn kiểm tra.

Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ thực hiện kiểm tra trước 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn. Sau khi có kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra và thông tin báo cáo đầy đủ từ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung tương và từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương tập hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Huy động đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng điện

Liên quan câu hỏi của phóng viên về việc huy động vốn cho ngành điện trong Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, hiện nay công suất điện Việt Nam khoảng 70.000MW và dự báo nhu cầu phụ tải điện trong 10 năm tới vẫn duy trì ở mức cao khoảng 8-9%/năm.

Đến năm 2030, tổng công suất hệ thống điện sẽ đạt khoảng 140.000MW, tức gấp đôi so với hiện nay, do đó nhu cầu và khối lượng đầu tư cho hệ thống điện thời gian tới sẽ là rất lớn, khoảng 12-13 tỷ USD/năm cho phát triển nguồn điện và lưới điện, theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII.

“Đây là thách thức rất lớn cho phát triển ngành điện trong thời gian tới”, ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Quy hoạch Điện VIII chỉ đưa ra mức độ tổng vốn cần huy động cũng như một số giải pháp chính, còn cụ thể nguồn vốn sẽ được các nhà đầu tư tính toán tại từng dự án thông qua báo cáo khả thi của dự án trong đó có phân tích tài chính, nguồn vốn, lãi suất,…

Tại Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương cũng đề xuất một số giải pháp như: Tăng thêm khả năng tài chính nội bộ của doanh nghiệp thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành điện; Tăng cường uy tín tài chính, tín nhiệm tín dụng để vay vốn thuận lợi hơn, chi phí lãi suất thấp hơn;…

Đặc biệt, giải pháp cơ bản Bộ Công Thương cho rằng cần thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới là khuyến khích mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp nhà nước - tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua các cơ chế như đấu thầu hay xã hội hóa lưới điện truyền tải.

“Thực tế đã minh chứng rõ ràng là khi có cơ chế hợp lý và hài hòa lợi ích các bên thì sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực tư nhân, vào ngành điện là rất mạnh mẽ”, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/khuyen-khich-phat-trien-dien-mat-troi-tren-co-so-hai-hoa-loi-ich-cac-ben-79487.htm