Khuyến khích phong trào đọc sách trong thanh niên

Ngày 19/4, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát động Ngày đọc sách trong thanh niên nhằm phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt ở thế hệ trẻ.

Toàn cảnh lễ phát động ngày đọc sách trong thanh niên.

Toàn cảnh lễ phát động ngày đọc sách trong thanh niên.

Lễ phát động nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, năm 2024. Chương trình có sự tham gia của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo... cùng tổ chức đoàn thuộc các cơ sở giáo dục đại học, đại diện các đơn vị xuất bản, đơn vị phát hành sách.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Lễ phát động Ngày đọc sách trong Thanh niên là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong top đầu thế giới.

Mặc dù vẫn thường xuyên phát động các phong trào đọc, tuy nhiên, theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm và điều đáng tiếc là trong số 4 cuốn sách được đọc thì có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với đất nước Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật Bản là 20 cuốn. Việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn những nước khác rất nhiều.

Hoạt động khuyến khích nhóm người trẻ quan tâm và tiếp cận nhiều hơn với sách trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thời đại thông tin đang được số hóa. Xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức tiếp cận sách, mở ra một kỷ nguyên mới: sách điện tử.

Các diễn giả tham gia cuộc tọa đàm.

Các diễn giả tham gia cuộc tọa đàm.

Cùng với thư viện điện tử, thói quen đọc sách cũng bắt đầu thay đổi, ngày càng nhiều người tiếp cận với văn hóa đọc trên nền tảng số, đặc biệt là giới trẻ. Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ thông tin mang đến cho người trẻ nhiều thuận lợi trong văn hóa đọc.

Giới trẻ đọc sách chủ yếu tranh thủ đọc qua mạng là 45%, qua sách in là 20,1%, qua nghe đài và xem ti-vi là 14,9%, còn qua điện thoại di động là 20%. Lựa chọn loại hình đọc này đã tạo ra những điểm tích cực của nó, chính là việc xuất hiện văn học mạng. Đây có thể coi là nơi trao đổi thông tin, bình luận, phản hồi của độc giả trực tiếp tới người viết, là sự trao đổi giữa người đọc với nhau. Mặt khác, thông qua hình thức văn học này tạo ra sự đa chiều trong cách đọc và tạo điều kiện thuận lợi cho người viết. Đó còn là kênh quảng cáo và giới thiệu sản phẩm sách nhanh nhạy nhất đến với công chúng.

Bên cạnh những tích cực, nhà thơ, nhà báo Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa-Văn nghệ, Báo Nhân Dân cho rằng, văn học mạng là một con dao hai lưỡi. Xu hướng “văn tay ngang” tuy tiếp cận đến nhiều hơn bạn đọc qua các nền tảng mạng xã hội, nhưng tính bền vững và kiến thức khó có thể so sánh với văn học truyền thống với bề dày tinh hoa tri thức được đúc kết qua thời gian.

Trao Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” cho đại diện các đơn vị, cá nhân.

Trao Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” cho đại diện các đơn vị, cá nhân.

Cơ sở văn hóa đọc trên nền tảng số phải là cơ sở văn hóa đọc của sách. Theo nhà báo, các tác phẩm của nhà văn viết theo lối truyền thống vẫn vô cùng chính xác, chuẩn mực từ xưa đến nay, nếu được đưa lên nền tảng số thì đó là những tác phẩm quý.

Để thích ứng với câu chuyện chuyển đổi số, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần nhất là sách nói. Sách giấy truyền thống và sách điện tử luôn là hai đối trọng được đặt lên bàn cân so sánh. Nhưng đó không phải là vấn đề lựa chọn một trong hai. Hai loại hình cùng tồn tại song hành và phát triển, mang đến cho người đọc trải nghiệm, nhiều kênh văn hóa đọc đa dạng hơn, tốt hơn sẽ là xu thế trong thời gian tới.

Các nhà xuất bản ngày càng có cơ hội hơn trong việc quảng bá sách văn học, gia tăng các đầu sách dịch nước ngoài, sách trong nước phục vụ nhu cầu của độc giả. Từ đó, việc hình thành các chuỗi cửa hàng, các chuỗi thư viện điện tử góp phần tích cực trong công tác giáo dục văn hóa đọc cho công chúng, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, trong lễ phát động, ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến hoạt động thúc đẩy các thiết chế văn hóa ủng hộ hoạt động đọc sách của thanh niên. Việc hình thành văn hóa đọc sách mới, phương thức đọc sách hiện đại của người đọc cần phù hợp xu thế phát triển của khoa học công nghệ. Hoạt động đọc sách và tiếp cận đến sách của nhóm học sinh, sinh viên và thanh niên cần được đảm bảo trong xu thế số hóa ngày nay.

Nhân dịp này, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” cho đại diện các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Các đơn vị xuất bản trao tặng tủ sách cho một số đơn vị đào tạo và tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sách.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 đang được diễn ra với các hoạt động đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng chuyển đổi số như: hội sách trực tiếp kết hợp với các hội sách trực tuyến, triển lãm, sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khuyen-khich-phong-trao-doc-sach-trong-thanh-nien-post805556.html