Khuyến khích sáng tác về người tốt, việc tốt
Trong văn học, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại, hình tượng người tốt, từ người lính nơi chiến trường, cô giáo vùng cao, đến bác sĩ nơi tuyến đầu... luôn là tâm điểm truyền cảm hứng và nâng đỡ tinh thần cộng đồng. Đó không chỉ là biểu tượng đạo đức mà còn là dấu mốc để xã hội định hướng các giá trị chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, đã có thời điểm người tốt trở thành nhân vật phụ, thậm chí bị 'dắt tay ra khỏi văn học' như một nhà văn từng chua chát chia sẻ.

Ảnh minh họa: TTXVN
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội len lỏi tới mọi ngóc ngách của cuộc sống, khi nói về cái tiêu cực, cái xấu thì người đọc... dễ tin, còn ca ngợi người tốt lại bị cho là “tuyên truyền”, là “minh họa”. Điều này không chỉ cho thấy sự lệch chuẩn trong cảm nhận thẩm mỹ mà còn phản ánh sự khủng hoảng niềm tin vào cái thiện trong xã hội. Hậu quả là những người sống tử tế bị hoài nghi, thậm chí bị giễu cợt với biệt danh như “khùng”, “bao đồng”... Dần dần, người tử tế không dám thể hiện mình tử tế, và cuối cùng... bị lãng quên.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập toàn cầu và đối diện với nhiều thách thức về đạo đức, việc khơi dậy hình tượng người tốt, việc tốt không còn là lựa chọn của người cầm bút mà là trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ. Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo phát động phong trào thi đua yêu nước, trong đó khuyến khích sáng tác về những điển hình tiên tiến, những nhân chứng lịch sử, những người vẫn ngày đêm âm thầm cống hiến giữa đời thường, đó chính là cách khơi nguồn cảm hứng, tái định vị giá trị người tốt trong đời sống văn học, nghệ thuật hôm nay.
Một xã hội biết nuôi dưỡng lý tưởng, biết ghi nhận điều tử tế mới có thể phát triển văn minh, bền vững. Khi người tốt được thể hiện một cách tinh tế, sống động, không phải để minh họa, mà để tỏa sáng như họ vốn có thì đó cũng là lúc văn học-nghệ thuật lấy lại sứ mệnh cao cả của mình.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khuyen-khich-sang-tac-ve-nguoi-tot-viec-tot-835674