Khuyến nghị chính sách thực chất, có thể chuyển hóa hành động
Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, chủ đề thảo luận được thiết kế tập trung hơn vào các nhóm vấn đề đang nổi lên mang tính chất toàn cầu. Đội ngũ trí thức trẻ không chỉ đóng góp về mặt lý luận mà còn tập trung hướng tới các khuyến nghị chính sách thực chất, có thể chuyển hóa thành hành động cụ thể sau Diễn đàn.
Ngày 14/7, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp tổ chức họp báo Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025.
Dự chương trình có anh Nguyễn Tường Lâm – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn.
Diễn đàn với chủ đề "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, diễn ra từ ngày 19 - 21/7.
Quy tụ hơn 200 đại biểu trí thức trẻ tài năng
Anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, từ hơn 600 hồ sơ đăng ký của các trí thức trẻ trong và ngoài nước, Ban Tổ chức đã lựa chọn 201 đại biểu chính thức cùng 15 thành viên Hội đồng tư vấn. Đây là những gương mặt ưu tú, đang công tác, học tập, nghiên cứu tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, giáo dục, môi trường, y tế, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, văn hóa và chính sách công.
“Đặc biệt, đội ngũ đại biểu năm nay có cơ cấu đa dạng, kết hợp hài hòa giữa các nhà khoa học giàu kinh nghiệm và lớp trí thức trẻ năng động, đang theo đuổi nghiên cứu tại các cơ sở khoa học hàng đầu thế giới. Đây là nguồn lực quý báu, có khả năng đóng góp trực tiếp vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện các chính sách quốc gia, phát triển khoa học – công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển đất nước”, anh Lâm nói.

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng
Theo anh Lâm, Diễn đàn năm nay có nhiều điểm đổi mới cả về nội dung, hình thức lẫn cách tiếp cận. Bên cạnh việc kế thừa tinh thần học thuật nghiêm túc và kết nối xuyên suốt của các kỳ trước, chương trình năm nay chú trọng hơn đến việc kết nối trí thức trẻ với thực tiễn phát triển quốc gia, thông qua các hoạt động mang tính trải nghiệm thực tế, đối thoại chuyên sâu với các tập đoàn, mô hình công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hàng đầu của Việt Nam.
Anh Lâm nhấn mạnh, chủ đề thảo luận cũng được thiết kế tập trung hơn vào các nhóm vấn đề đang nổi lên mang tính chất toàn cầu, đòi hỏi sự góp sức từ chính đội ngũ trí thức trẻ – những người đang ở tuyến đầu của đổi mới, nghiên cứu, và kiến tạo tương lai.
Đặc biệt, các phiên đối thoại năm nay không chỉ mang tính lý luận mà còn tập trung hướng tới các khuyến nghị chính sách thực chất, có thể chuyển hóa thành hành động cụ thể sau Diễn đàn.
Hội đồng tư vấn khoa học gồm: 6 giáo sư, 6 phó giáo sư và 3 tiến sĩ, độ tuổi bình quân 43.6, đều là những nhà khoa học trẻ có uy tín lớn trong cộng đồng trí thức toàn cầu.
Đối với đại biểu chính thức, có 1 giáo sư, 31 phó giáo sư và trợ lý giáo sư, 150 tiến sĩ và 19 thạc sĩ/nghiên cứu sinh. Độ tuổi bình quân 34,5. Đại biểu nữ chiếm 29,3%; 35,8% là đại biểu đang công tác và làm việc tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nhiều hoạt động tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái
Theo Ban Tổ chức, trong chương trình diễn đàn năm 2025, các đại biểu sẽ có dịp được tham quan Nhà máy Vinfast tại TP. Hải Phòng, tìm hiểu hệ sinh thái Vingroup và công ty kỳ lân Xanh SM; thảo luận về hệ sinh thái tài chính xanh của Sacombank, tham dự tọa đàm về an ninh dữ liệu.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu của diễn đàn sẽ tập trung trí tuệ để thảo luận với 4 nhóm nội dung gồm: ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh và phát triển bền vững; thích ứng bền vững trước các thách thức của biến đổi toàn cầu; phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới. Các đại biểu chính thức của Diễn đàn dự kiến sẽ được tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy và GS.TS Trần Xuân Bách – Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Diễn đàn, trao đổi với các cơ quan báo chí. Ảnh: Xuân Tùng
Chương trình còn có sự tham gia và tài trợ chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank, với các giải pháp thanh toán và tài chính số và sự tham góp cùng đội ngũ trí thức trẻ toàn cầu trong xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh cho Việt Nam.
Các sản phẩm được công bố sau diễn đàn gồm: Báo cáo khuyến nghị của cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (gồm khuyến nghị); Báo cáo ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045; Cơ sở dữ liệu Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; Kỷ yếu diễn đàn (online).
Hướng tới Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Ban điều hành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức 5 tọa đàm, hội thảo của 4 nhóm nội dung, thu hút hơn 1.000 trí thức trẻ và sinh viên nghiên cứu khoa học đăng ký tham dự, với 32 bài trình bày từ diễn giả là đại biểu và ban cố vấn diễn đàn.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là chương trình thường niên được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2018. Qua 5 kỳ diễn đàn, đã có sự tham gia của hơn 1.000 trí thức trẻ trong và ngoài nước đóng góp vào các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển tài năng trẻ Việt Nam. Qua các năm tổ chức Diễn đàn, T.Ư Đoàn đã thành lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu có cơ chế hoạt động, trao đổi thường xuyên của hơn 2.000 trí thức trẻ trên toàn thế giới.