Khuyến nghị siết dần tín dụng ngoại tệ
Để ổn định tỷ giá, giải pháp được một số chuyên gia đề xuất là Việt Nam cần tiến tới siết lại cho vay ngoại tệ để dần chuyển sang quan hệ mua - bán.
Khuyến nghị được Giáo sư Andreas Hauskrecht, Trường Đại học Indiana (Mỹ) đưa ra, để ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá, Việt Nam cần kiên quyết trong chống đô-la hóa.
Các giải pháp được ông Andreas Hauskrecht đưa ra là: Không tăng lãi suất huy động USD và tiến tới chấm dứt huy động bằng ngoại tệ, phạt hành chính trong niêm yết giá bằng ngoại tệ, thanh toán bằng USD.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nên khẩn trương siết chặt thêm các đối tượng và điều kiện được vay ngoại tệ, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng và được dự đoán còn chịu áp lực gia tăng hơn nữa trong thời gian tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn căng thẳng.
Theo Giáo sư Andreas Hauskrecht, ở các nước, ngân hàng không nhận tiền gửi là các loại tiền tệ khác ngoài đồng nội tệ của họ và cũng không cho vay ra bằng ngoại tệ.
Nếu các ngân hàng Việt Nam tiếp tục duy trì huy động vốn bằng USD (dù lãi suất có bằng 0%) thì nhu cầu vay ra bằng USD tiếp tục duy trì, thậm chí tăng, do lãi suất rẻ hơn vay tiền đồng.
Vay USD đã và đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lựa chọn khi có nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh, do lãi suất thấp hơn vay bằng tiền đồng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vốn, cũng như hạn chế rủi ro tỷ giá.
Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cũng cho rằng, khi nhu cầu vay mượn bằng ngoại tệ càng phổ biến và dư nợ ngày càng lớn thì NHNN càng bị ràng buộc, càng phải hành động để bảo vệ tỷ giá nếu không muốn hàng loạt con nợ bằng ngoại tệ bị vỡ nợ.
Từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỷ lệ đô-la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31/12/2017).
Trên thực tế, mục tiêu ổn định tỷ giá trong quá khứ và như hiện nay chính là xuất phát từ lo ngại tỷ giá tăng sẽ làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài (bằng USD).
Như vậy, siết cho vay mượn bằng USD là cần thiết. Tất nhiên, việc này trước mắt sẽ gây khó khăn chủ yếu cho doanh nghiệp trên danh nghĩa là họ sẽ phải vay bằng tiền đồng với lãi suất cao hơn.
Nếu theo hướng siết lại tín dụng ngoại tệ thì về nguyên tắc, kể cả những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng USD cũng không được phép vay bằng USD.
Để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp này (họ phải bán USD thu được từ xuất khẩu cho ngân hàng), ông Andreas Hauskrecht đề xuất, NHNN nên quy định rõ ràng và sẵn sàng cung ứng đủ USD cho các doanh nghiệp nhập khẩu khi có yêu cầu chính đáng.
Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo hướng chỉ tập trung cho vay đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên. Bởi lẽ, việc duy trì, mở rộng vay mượn bằng ngoại tệ là duy trì và làm trầm trọng thêm nạn đô-la hóa.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong trung dài hạn, NHNN theo đuổi mục tiêu chống đô-la hóa trong nền kinh tế.
Tất nhiên, những năm qua, NHNN đã có những đợt gia hạn cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế trong ngắn hạn. Hiện lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ bằng một nửa so với lãi suất cho vay VND.
Thậm chí, nhiều tổ chức tín dụng hiện nay cho vay ngoại tệ lãi suất chỉ khoảng trên 2%/năm, nhưng kỳ hạn vốn vay ngoại tệ lại chủ yếu ngắn hạn, đáp ứng các nhu cầu thu gom nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu, nên tính an toàn trong tương quan giữa hai đồng tiền được đảm bảo.
Trong quá khứ, tỷ giá đồng USD với VND được gắn chặt với nhau, hay còn gọi là neo chặt với nhau. Trong thời gian tới, NHNN sẽ linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, khó có thể tái tăng lãi suất huy động USD so với mức 0% hiện nay. Trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao nên tình trạng đô-la hóa của Việt Nam ở mức báo động.
Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007 - 2011 ở mức trên 20%, thậm chí đầu những năm 1990 còn ở mức 30 - 40%.
Hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao, tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của NHNN, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước sụt giảm mạnh.
Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn này là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, NHNN đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế đồng Việt Nam; trong đó, có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%.
Từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỷ lệ đô-la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31/12/2017), hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tính đến cuối tháng 6/2018, dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt gần 65 tỷ USD.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khuyen-nghi-siet-dan-tin-dung-ngoai-te-post193582.html