Khuyến nông Hà Nội lan tỏa sản xuất xanh, bền vững
Năm 2023, các mô hình khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng đều đạt hiệu quả khả quan, sức lan tỏa rộng, được nông dân hưởng ứng, đánh giá cao. Hoạt động này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp Thủ đô đa giá trị gắn với sinh thái.
Hiệu quả rõ rệt
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình khuyến nông, mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như tăng thu nhập cho nông dân.
Điển hình như, mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm (cúc chi), quy mô 3 ha, triển khai tại xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây với sự tham gia của 1 hợp tác xã. Thời gian thu hoạch trừ nay đến Tết Nguyên đán 2024. Dự kiến năng suất đạt 8 – 8,5 tấn hoa tươi/ha (tương đương 1,2 – 1,3 tấn hoa khô/ha). Với giá doanh nghiệp thu mua 600 triệu đồng/1 tấn hoa khô, trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận ước đạt trên 200 triệu đồng/ha.
Lĩnh vực chăn nuôi – thủy sản, tiêu biểu có mô hình chăn nuôi dê kiêm dụng sữa thịt, mô hình bò sinh sản các hộ chăn nuôi đã tận dụng nguồn thức ăn xanh có sẵn tại địa phương, tận dụng được nguồn phân dê để bón cho cây trồng, kết hợp khai thác sữa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi cá chim trắng, quy mô 4ha, tại 3 điểm trên địa bàn huyện Mỹ Đức và Thanh Trì với 4 hộ tham gia. Dự kiến, mô hình cho thu hoạch vào tháng 1/2024, năng suất ước đạt trên 21 tấn/ha, cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn 10 – 15% so với nuôi các loài cá truyền thống.
Nói về quá trình xây dựng và triển khai mô hình khuyến nông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương phân tích: những mô hình trình diễn được xây dựng và triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân và địa phương. Các giống cây trồng mới, các giải pháp canh tác mới (canh tác bền vững, tiết kiệm, an toàn trong sản xuất) đã chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật mới, cho kết quả tốt.
Các mô hình theo hướng hữu cơ, VietGAP không chỉ làm tăng giá trị cho sản phẩm mà còn đóng góp vào sự phát triển toàn diện và bền vững của ngành nông nghiệp trong cộng đồng. Phát triển sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy là hạt nhân thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất để phát triển hàng hóa chất lượng cao trong những năm tiếp theo.
Tất cả mô hình đã triển khai theo đúng yêu cầu kỹ thuật và cơ bản đảm bảo tiến độ, kế hoạch, mục tiêu, yêu cầu đề ra. Các hộ tham gia mô hình đã được thẩm định đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, đủ vốn đối ứng mô hình, hưởng ứng tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Công tác hỗ trợ giống đúng nguyên tắc, đảm bảo đủ số lượng, đúng chất lượng, đảm bảo minh bạch và kịp thời theo dự toán, yêu cầu của mô hình.
Xây dựng đội ngũ khuyến nông viên cơ sở chuyên nghiệp
Định hướng nhiệm vụ năm 2024, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, Trung tâm Khuyến nông cần tiếp tục bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương và thành phố về nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền chủ trương, chính sách thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế 10-20% so với ngoài mô hình.
Cùng với đó, Trung tâm thể hiện vai trò trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất nông sản thiết yếu, phát triển liên kết chuỗi; từng bước mở rộng mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; tập huấn cho cộng tác viên khuyến nông, nông dân, người sản xuất về tiến bộ khoa học, nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất.
Đánh giá cao những thành tựu của nông nghiệp Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh: “Hà Nội tuy có diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ nhưng quy mô sản xuất rất lớn, lớn hơn nhiều tỉnh của cả nước. Nông nghiệp Hà Nội đang phát triển đúng hướng theo định hướng của Bộ NN&PTNT đó là nông nghiệp đa giá trị gắn với sinh thái, bảo vệ môi trường. Đặc biệt là tích cực ứng dụng, chuyển giao sản xuất xanh, sản xuất sạch”.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy vai trò quan trọng của Khuyến nông Hà Nội trong phát triển nông nghiệp Thủ đô. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường năng lực hơn nữa cho hệ thống khuyến nông viên cơ sở, vì họ là những người trực tiếp hướng dẫn nông dân sản xuất. Xây dựng đội ngũ người làm khuyến nông cơ sở chuyên nghiệp, không chỉ vững chuyên môn mà còn hiểu biết kiến thức thị trường, liên kết chuỗi, quảng bá sản phẩm…
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 18 mô hình tại 79 điểm trên địa bàn thành phố với 804 hộ, hợp tác xã (HTX) tham gia. Trong đó, gồm: 10 mô hình khuyến nông trồng trọt tại 25 điểm với 644 hộ và HTX tham gia, tổng quy mô 185,5ha, với các loại cây trồng và 250 tấn nguyên liệu đối với sản xuất nấm ăn; 5 mô hình khuyến nông chăn nuôi tại 39 điểm với 124 hộ tham gia, tổng quy mô 31.050 con vật nuôi; 3 mô hình khuyến nông thủy sản tại 15 điểm với 36 hộ tham gia, tổng quy mô 39ha diện tích mặt nước.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khuyen-nong-ha-noi-lan-toa-san-xuat-xanh-ben-vung.html