Khuyến nông và hợp tác xã: Gắn kết nông dân với Đề án lúa sạch, bền vững
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng' còn hợp tác xã hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Các tổ chức trung gian tại cơ sở - như lực lượng khuyến nông cộng đồng (KNCĐ), các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và tổ hợp tác chính là những mắt xích then chốt, đóng vai trò cầu nối giữa chủ trương chính sách và hoạt động thực tiễn trên đồng ruộng. Họ không chỉ giúp truyền tải kiến thức, kỹ thuật đến người nông dân, mà còn tham gia tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết, điều phối chuỗi giá trị và thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Chuyên gia của Trung tâm khuyến nông Quốc gia hướng dẫn cho HTX Nông nghiệp Phước Hảo, tỉnh Trà Vinh kỹ thuật ủ rơm làm thức ăn cho trâu bò. (Ảnh: KNQG)
Mô hình trồng lúa sạch, bền vững
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã lựa chọn 7 HTX nông nghiệp điển hình tham gia mô hình thí điểm triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) tại 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.
Các mô hình này có diện tích từ 10 đến 53ha, mục tiêu là sạ thưa, giảm sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và tiết kiệm nước tưới. Kết quả các mô hình thí điểm cho thấy năng suất cao hơn so với mô hình đối chứng trung bình khoảng 0,5 tấn/ha. Chi phí sản xuất giảm từ 10 – 15% so với mô hình đối chứng, từ đó giúp tăng lợi nhuận cho nông dân. Nếu giai đoạn 1 (2024 - 2025) chỉ có 620 HTX tham gia Đề án thì đến nay, có 1.381 HTX, THT đăng ký tham gia đến năm 2023.
Phát biểu tại Tọa đàm “Tổ chức Khuyến nông cộng đồng, Hợp tác xã, Tổ hợp tác trong triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp" vừa được tổ chức mới đây, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh Trà Vinh có 2 HTX thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa.
Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình thí điểm giảm lượng giống gieo sạ khoảng 60%, giảm phân bón hóa học 20-30%, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 2 lần/vụ, năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha tùy từng vụ (tăng khoảng 3 - 5% so với ngoài mô hình), lợi nhuận tăng thêm từ 15% (tương đương 6 - 10 triệu đồng/ha), lượng khí phát thải giảm 20 - 30% so với mô hình canh tác truyền thống.
Ông Lê Văn Đông nhận định, 2 HTX thực hiện thí điểm Đề án đã tham gia rất tích cực, góp phần tạo sự lan tỏa mạnh mẽ cho các HTX và nông dân trên địa bàn tỉnh. Đến vụ Đông Xuân 2024 – 2025, tỉnh Trà Vinh đã nhân rộng thêm 14 HTX tham gia Đề án với diện tích gần 800 ha. Chưa dừng lại ở đó, tính đến thời điểm hiện tại vụ Hè Thu năm 2025 có 38 xã đăng ký với quy mô hơn 4.700 ha.

Ông Lê Văn Đông, PGĐ Sở NN&MT Trà Vinh tham quan mô hình thí điểm canh tác lúa phát phải thấp tại HTX nông nghiệp Phước Hảo. (Ảnh: KNQG)
Bên cạnh những thuận lợi, ông Đông cũng cho biết: “Quy mô sản xuất lúa của Trà Vinh còn nhỏ lẻ, manh mún chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác giữa người trồng lúa với hợp tác xã và với doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có khoảng 20% diện tích sản xuất lúa tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã nhưng còn rất lỏng lẻo, hiệu quả mang lại chưa cao”. Trong khi đó, các HTX và THT vẫn gặp nhiều khó khăn về năng lực quản trị, cơ sở vật chất, tiếp cận vốn và liên kết thị trường.
Qua quá trình sản xuất và ứng dụng từ thực tế, đại diện một số HTX cũng nêu nên nhiều khó khăn như: ứng dụng công nghệ còn chậm; liên kết với doanh nghiệp vẫn còn rời rạc, khó tiếp cận vốn để đầu tư thiết bị, kho sấy, nhà sơ chế; đề xuất có chính sách tín dụng và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với quy mô HTX.
Nhiều thách thức cũng đặt ra cho tổ chức KNCĐ trong quá trình triển khai Đề án 1 triệu ha lúa được các địa phương nêu ra như: thiếu thiết bị cần thiết như máy tính, điện thoại thông minh và phần mềm chuyên dụng hỗ trợ nông dân trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giám sát phát thải khí nhà kính. Hiện nay, các tổ KNCĐ chưa có tư cách pháp nhân độc lập, gây khó khăn trong việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp và thực hiện các giao dịch tài chính. Bên cạnh đó, do chưa có cơ chế ghi nhận và đãi ngộ phù hợp nên ảnh hưởng đến động lực và sự gắn bó của KNCĐ với công tác khuyến nông.
Nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng
Sản xuất lúa gạo là ngành kinh tế chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trong sản xuất lúa vẫn chủ yếu dựa vào phương thức canh tác truyền thống, với các tập quán canh tác lâu đời nhưng chưa được tối ưu hóa theo hướng bền vững; dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu kết luận tại Tọa đàm. (Ảnh: KNQG)
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa hiệu quả, việc đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố then chốt.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh các khóa đào tạo chuyên sâu về quy trình kỹ thuật canh tác giảm phát thải, như sạ cụm, sạ hàng, sạ bằng drone, tưới ngập khô xen kẽ . Đồng thời, đào tạo kỹ năng quản lý chuỗi giá trị và kết nối thị trường cũng rất quan trọng để đảm bảo nông sản được tiêu thụ ổn định, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân.
Tăng cường tổ chức các hội nghị liên kết giữa nông dân, HTX và các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ lúa, tạo ra các hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, giảm rủi ro cho nông dân và tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao. Song song đó, cần có một khung chính sách rõ ràng và các cơ chế hỗ trợ phù hợp đảm bảo nguồn lực bền vững cho hoạt động của các tổ chức này.
Ngoài các giải pháp trên, để nâng cao động lực cho tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và tổ hợp tác, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng cần có chính sách khuyến khích tham gia vào Đề án, thông qua các hình thức hỗ trợ tài chính, ưu đãi tín dụng, khen thưởng cho các mô hình hoạt động tốt. Việc tạo ra các cơ chế huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và doanh nghiệp cũng sẽ giúp đảm bảo nguồn lực bền vững cho hoạt động của các tổ chức này.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai 7 mô hình thí điểm cấp trung ương tại 5 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2-12 tấn CO₂ tương đương/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.