Khuynh hướng làm luật bản quyền về AI có gì mới?

Khi luật quốc gia chưa được thông qua, rất khó có thể dự đoán được quyết định của các tòa án khi phải giải quyết tranh chấp về bản quyền trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

(KTSG) – Khi luật quốc gia chưa được thông qua, rất khó có thể dự đoán được quyết định của các tòa án khi phải giải quyết tranh chấp về bản quyền trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Nhiều tác giả, nghệ sĩ lo ngại nếu như tòa án sẽ nghiêng về phía ủng hộ các công ty công nghệ AI thì dần dần sự sáng tạo của con người sẽ mất đi vị trí hiện tại. Ảnh minh họa: TL

Nhiều tác giả, nghệ sĩ lo ngại nếu như tòa án sẽ nghiêng về phía ủng hộ các công ty công nghệ AI thì dần dần sự sáng tạo của con người sẽ mất đi vị trí hiện tại. Ảnh minh họa: TL

Nguy cơ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative artificial intelligence – AI) sẽ làm đảo lộn thế giới sáng tạo nghệ thuật đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì các chương trình AI tạo nội dung, hình ảnh và âm thanh từ những “prompts” (câu lệnh) sẽ có thể ảnh hưởng tới khoảng 40% công việc. Một đánh giá của Goldman Sachs cũng cho thấy công nghệ có thể thay thế khoảng 300 triệu công việc trên toàn thế giới. Một nghiên cứu khác thì khẳng định rằng thu nhập của các nhà văn, họa sĩ minh họa tự do đã sụt giảm đáng kể từ tháng 11-2022, thời điểm ChatGPT ra đời.

Tôn trọng phần sáng tạo của con người

Không chỉ thế, các tác phẩm mà luật bản quyền bảo hộ có thể bị AI sử dụng để tạo ra hình ảnh, nội dung mới mà tác giả không hề được thông báo hay xin phép. Những công ty công nghệ chủ nhân của những phần mềm AI tạo sinh thường sử dụng ngoại lệ “sử dụng hợp lý” của luật bản quyền để bao biện cho việc sử dụng “chùa” này. Nếu như ngoại lệ này cho phép sử dụng không cần sự cho phép của tác giả những trích đoạn tác phẩm để nghiên cứu, minh họa, bình luận… thì hiện nay ngoại lệ này không còn phù hợp với tình hình mới nữa. Rõ ràng là các chương trình AI cần một số lượng khổng lồ dữ liệu sáng tạo đã có để có thể tạo ra “tác phẩm mới”, không có lý do gì mà việc sử dụng này lại hoàn toàn tự do, không giới hạn và không có sự giám sát nào.

Vấn đề chính hiện nay là AI tạo sinh quá mới nên chưa có luật nào được thông qua để đưa AI tạo sinh vào khuôn khổ pháp lý. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ, tác giả kiện các công ty công nghệ chủ nhân các chương trình AI tạo sinh ra tòa vì cho rằng các công ty này đã vi phạm quyền tác giả khi dùng các tác phẩm của họ để đào tạo AI tạo sinh và tạo ra nội dung hình ảnh mới.

Gần đây nhất, ngày 12-8-2024, thẩm phán Tòa án California đã ra quyết định rằng nhóm nghệ sĩ minh họa, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Sarah Andersen, Kelly McKernan và Karla Ortiz, có thể tiếp tục vụ kiện cáo buộc các chương trình AI tạo sinh của Stability A.I., Midjourney, DeviantArt và Runway A.I. vi phạm quyền tác giả. Những nghệ sĩ này cho rằng các phần mềm AI tạo sinh nói trên đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi “lưu trữ bất hợp pháp các tác phẩm”, cũng như đã được “xây dựng dựa trên một khối lượng lớn các tác phẩm được bảo hộ”. Dù quyết định này của thẩm phán chưa khẳng định rằng AI tạo sinh vi phạm quyền tác giả khi sử dụng các tác phẩm bảo hộ để “đào tạo”, thì đây cũng là một thắng lợi bước đầu dành cho các nghệ sĩ.

Ở một góc độ khác, câu hỏi về khả năng bảo hộ bản quyền hình ảnh, nội dung do AI tạo ra cũng chưa có câu trả lời rõ ràng. Cục Bản quyền Mỹ không công nhận quyền tác giả của AI, nhưng cũng không hoàn toàn từ chối bảo hộ nếu như tác phẩm có sự đóng góp đáng kể của con người ngoài phần sáng tạo của AI. Trong khi đó, tòa án của Trung Quốc và Hàn Quốc đã từng công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra. Gần đây nhất, tòa án của Cộng hòa Czech từ chối công nhận quyền tác giả với tác phẩm AI, phù hợp với khuynh hướng chung của Liên minh châu Âu (EU).

Hai phương án với dữ liệu để đào tạo AI

Hiện nay, nhiều quốc gia đang nỗ lực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hoặc sửa đổi luật bản quyền để có thể áp dụng đối với trường hợp AI tạo sinh. Ở Mỹ, nhóm làm việc (working group) của Thượng nghị viện Mỹ đã công bố lộ trình nhằm đưa nước Mỹ lên vị trí hàng đầu trong cuộc chạy đua AI, với đề xuất đầu tư 32 tỉ đô la Mỹ mỗi năm vào nghiên cứu và phát triển AI. Trong vấn đề AI và luật bản quyền, nhóm làm việc cho rằng cần đánh giá tác động của AI tới tác giả, nghệ sĩ cũng như nhà xuất bản. Vào tháng 4-2024, một dự thảo luật đã được trình ra Quốc hội Mỹ, trong đó có quy định bắt buộc các công ty AI phải công bố danh sách các tác phẩm bảo hộ mà họ sử dụng để đào tạo phát triển AI.

Vào tháng 5-2024, EU đã chính thức thông qua luật đầu tiên trên thế giới về AI. Tuy luật của EU không có điều khoản cụ thể về quyền tác giả nhưng nó cũng khẳng định lại nguyên tắc căn bản rằng việc sử dụng tác phẩm bảo hộ cần phải được sự cho phép của tác giả trừ trường hợp ngoại lệ. Vấn đề bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra lại không được đề cập đến trong luật này. Tuy nhiên, EU có vẻ như hướng tới việc tạo ra một quyền tác giả mới, riêng biệt (sui generis). Hiện các nước thành viên EU đang xây dựng luật quốc gia về vấn đề này. Ở Ý, dự thảo luật bản quyền mới đã được đưa ra để lấy ý kiến vào tháng 4-2024, trong đó có quy định công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm AI, nếu như tác phẩm có thể hiện “phần sáng tạo của con người”.

Nhiều tác giả, nghệ sĩ lo ngại nếu như tòa án sẽ nghiêng về phía ủng hộ các công ty công nghệ AI, thì dần dần sự sáng tạo của con người sẽ mất đi vị trí hiện tại của nó. Tuy nhiên, các công ty công nghệ lại lập luận rằng nếu như AI không tiếp tục được “đào tạo” nhờ các dữ liệu có sẵn thì các mô hình AI tiến bộ hơn, phù hợp hơn sẽ không thể được phát triển. Đứng trước bài toán khó này, các nhà làm luật đang hướng về phương án opt-out (tác giả có thể chọn không cho phép sử dụng tác phẩm của bản thân) hoặc phương án li xăng (trong đó, các công ty AI trả tiền để có thể sử dụng dữ liệu để phát triển AI). Ở thời điểm hiện tại, khi luật quốc gia chưa được thông qua, rất khó có thể dự doán được quyết định của các tòa án khi phải giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khuynh-huong-lam-luat-ban-quyen-ve-ai-co-gi-moi/