Kịch bản 'khoán tăng trưởng' nào cho 34 tỉnh, thành?

Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ giao Bộ chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP, giao mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập. Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn TPHCM), nên giao chỉ tiêu cho các đầu tàu kinh tế, còn các địa phương khác thì khuyến khích, động viên phát triển.

Ông Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, năm 2025, Chính phủ lần đầu tiên thực hiện “khoán tăng trưởng” cho các địa phương. Kết quả thực hiện sau 6 tháng trước thời điểm sáp nhập là khá tích cực. Ông nhìn nhận ra sao về việc thực hiện “khoán tăng trưởng”?

Ông Nguyễn Quang Huân: Khi phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh, thành, họ sẽ “chạy đua” để đạt tốc độ tăng trưởng 8% trở lên hoặc 2 con số. Họ sẽ tìm cách phát triển theo chiều ngang để nhanh đạt chỉ tiêu. Phát triển theo chiều ngang có thể năm nay đạt nhưng năm sau có khi lại hụt do biến động từ bên ngoài; vì thế không nên phát triển theo chiều ngang mà cần phải phát triển theo chiều sâu, mang tính bền vững. Theo đó, cần đi vào các ngành, nghề. Ví dụ muốn phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ số thì công nghiệp công nghệ số nằm ở nhiều tỉnh, chứ không nằm ở một tỉnh, thành nào.

Đối với bình diện của một quốc gia, việc đưa ra kế hoạch phát triển tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới là rất hiếm so với thế giới. Các nước không chỉ đưa ra mỗi GDP, vì GDP đưa ra để phấn đấu. Còn nếu cứ bắt buộc phải đạt GDP, nghĩa là đưa chỉ tiêu kinh tế lên hàng số một thì các chỉ tiêu về môi trường xã hội sẽ không còn được coi trọng. Lúc đó sẽ mất quan điểm phát triển bền vững, cân bằng giữa kinh tế - môi trường- xã hội.

Cho nên có thể đưa ra chỉ tiêu để các tỉnh, thành phấn đấu nhưng không nhất thiết phải đạt bằng mọi cách. Quan điểm của Đảng rất rõ ràng: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đơn thuần. Đây là quan điểm xuyên suốt và phải bám lấy quan điểm này. Vì thế cần phải có lộ trình để tính toán, có kịch bản và phân chỉ tiêu cho các tỉnh, thành để tránh phá vỡ cơ cấu phát triển bền vững; các tỉnh lại “trăm hoa đua nở”. Do đó nếu giao chỉ tiêu cho các tỉnh, thành, theo tôi chỉ nên giao cho các đầu tàu kinh tế, còn các địa phương khác thì khuyến khích phát triển.

Sau khi sáp nhập, hiện còn 34 tỉnh thành. Vậy trong 6 tháng còn lại, theo ông có nên tiếp tục “khoán tăng trưởng” đối với 34 địa phương khi dư địa hiện nay đã khác?

Theo tôi, chúng ta nên giao cho các đầu tàu kinh tế, các thành phố lớn, trung tâm kinh tế. Ví dụ TPHCM chiếm tới 25% GDP cả nước thì năm nay làm sao phát triển GRDP phải từ 10-12% để kéo các tỉnh, thành khác lên. Bởi có những ngành nghề kinh tế mũi nhọn nằm ở TPHCM. Ví dụ trước đây Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển dựa vào kinh tế biển là chính, Bình Dương là khu công nghiệp dựa vào xuất khẩu, còn TPHCM là dịch vụ và thương mại. Bây giờ khi sáp nhập thành TPHCM mới, nếu tính toán 3 mũi nhọn đó có thể đạt được GRDP 10-12%. Tương tự là các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Còn đối với các tỉnh chưa nộp ngân sách, bản thân còn đang loay hoay để làm sao cân đối thu chi, đỡ phải trợ cấp từ Trung ương nếu giao chỉ tiêu tăng trưởng dễ dẫn đến khó khăn, rồi báo cáo không chính xác. Cho nên có thể khuyến khích các tỉnh mới sáp nhập, có định hướng phát triển để họ chủ động. Sau khi được phê duyệt thì cứ thế tiến hành theo khả năng, GRDP bao nhiêu còn tùy vào từng tỉnh.

Bởi đối với các tỉnh thuần nông nghiệp sáp nhập với nhau mà đòi hỏi ngay mức tăng trưởng cao là bất khả thi. Ví dụ, Bắc Kạn sáp nhập vào Thái Nguyên trở thành tỉnh Thái Nguyên mới. Giờ Thái Nguyên phải giúp Bắc Kạn đi lên, nếu bây giờ yêu cầu tỉnh Thái Nguyên mới tăng trưởng 10% là rất khó.

Có thể giao chỉ tiêu phát triển cho các đầu tàu kinh tế như TPHCM để kéo các tỉnh, thành khác lên. Ảnh: H.Triều.

Có thể giao chỉ tiêu phát triển cho các đầu tàu kinh tế như TPHCM để kéo các tỉnh, thành khác lên. Ảnh: H.Triều.

Chúng ta vẫn đặt vấn đề phát triển kinh tế đi theo chiều sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng đến nay vấn đề này vẫn còn tồn tại. Theo ông nguyên nhân do đâu?

Do chúng ta chưa xây dựng được các chiến lược phát triển kinh tế phù hợp. Khi chưa xác định rõ chiến lược thì không nên cơ cấu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay cứ mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, như tỉnh này thấy thành phố kia làm hay về lĩnh vực nào đó sẽ học và làm tương tự.

Bởi vậy, Chính phủ cần vạch ra các chiến lược phát triển của từng ngành, nghề. Ngày nào là mũi nhọn thì tập trung vào ngành đó, ngay như xuất khẩu cũng phải xác định xuất khẩu cái gì? Tập trung vào giày da nhân công giá rẻ hay chuyển sang lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử công nghệ cao? Cần phải có chiến lược mới chuyển đổi ngành nghề. Phải cơ cấu lại, nếu không sẽ vẫn nằm ở các vùng có năng suất thấp. Nếu chuyển đổi phải chuyển đổi cái gì từ vùng năng suất thấp sang vùng năng suất cao phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Tăng trưởng cao nhưng phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, nếu không sẽ xóa nhòa các thành tựu tăng trưởng, thưa ông?

Đúng vậy! Phát triển nhưng phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có lạm phát, tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng đạt 134% GDP là bắt đầu đến báo động đỏ, chứ không phải cứ tăng trưởng tín dụng nhiều là tốt. Vì lúc đó không còn là yếu tố bền vững nữa, rủi ro nhất là tăng trưởng tín dụng lại tập trung vào lĩnh vực bất động sản, vì lĩnh vực đó luôn có nguy cơ phát triển nóng.

Chính phủ phải đưa ra được các chiến lược phát triển từng lĩnh vực kinh tế và vạch ra lộ trình phát triển theo từng thời kỳ sau đó mới áp cho 34 tỉnh, thành. Các tỉnh nằm ở đâu theo chiến lược mới, theo ngành nghề chiến lược chung thì có kế hoạch riêng để phát triển theo từng nhiệm kỳ 5 năm hoặc dài hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kich-ban-khoan-tang-truong-nao-cho-34-tinh-thanh-10309710.html