Kịch bản mới cho diễn biến tăng trưởng tín dụng năm 2022

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước đặt ra khoảng 14%, chỉ tương đương năm 2021, trong khi bối cảnh 2022 được dự báo các khó khăn do dịch Covid-19 sẽ giảm dần. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra cho năm 2022 là cân đối dòng vốn hướng vào các khu vực an toàn và đây sẽ là bài toán cho các ngân hàng phải điều tiết tín dụng ở mức hợp lý.

Giai đoạn gian khó nhất đã qua

Năm 2021 là một năm khá đặc biệt, với những diễn biến kinh tế khó dự đoán và ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải đưa ra tới 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm này.

Mục tiêu trong năm 2022 là cân đối dòng vốn hướng vào các khu vực an toàn.

Theo đó, kịch bản 1 đặt ra bối cảnh việc tiêm chủng vắc-xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế - tín dụng sẽ tăng 12% đến 13% hoặc có thể đạt tới 14%. Kịch bản 2 dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc-xin kéo dài - tín dụng có thể tăng từ 10% đến 12%. Kịch bản 3 dịch kéo dài đến hết năm - tăng trưởng khoảng 7% đến 8%.

Thực tế dịch năm 2021 cho thấy diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt được theo kịch bản tối ưu nhất với mức 13,53%. Đây là kết quả tăng trưởng tín dụng khá cao so với bối cảnh thực tế, nền kinh tế chịu ảnh hưởng khá nặng nề do dịch, nhất là quý III/2021 khi cả Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài.

Với bối cảnh kinh tế như trên, năm 2021 ngân hàng phải thực hiện khá nhiều phương án để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN bằng Thông tư 03/2021/TT-NHNN và tiếp đó là Thông tư 14/2021/TT-NHNN theo hướng mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ khách hàng.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến nghị các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận, giảm lãi suất. Riêng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được các tổ chức tín dụng cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021 đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho trên 1,32 triệu khách hàng.

Cân đối tín dụng với tăng trưởng kinh tế

Quý IV/2021, tỷ lệ tiêm vắc-xin đã được phủ rộng hơn, các địa phương dần dỡ bỏ lệnh giãn cách, các hoạt động kinh doanh đã phục hồi trở lại, GDP quý IV/2021 đã đạt tốc độ tăng trưởng 5,22%. Động thái phục hồi này đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 sẽ tiếp đà hồi phục khi tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin vẫn tiếp tục được bao phủ rộng hơn.

Bước sang năm 2022, NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, song tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, cơ quan quản lý ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm tiếp lãi suất cho vay, gia tăng các gói vay ưu đãi hỗ trợ các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh.

Bối cảnh kinh tế như trên, cùng với chủ trương từ phía cơ quan quản lý tiếp tục khơi thông dòng vốn ngân hàng có thể dễ đưa đến một số đánh giá cho rằng, tín dụng năm 2022 hoàn toàn dễ dàng đạt được tốc độ 14%, ít nhất bằng năm 2021. Tuy nhiên, thực tế bài toán tăng trưởng có thể có những kịch bản khác và giới chuyên gia cho rằng, con số tăng trưởng cũng chỉ cần duy trì ở mức hợp lý, vì việc để tốc độ tăng trưởng quá cao cũng không hoàn toàn có lợi cho nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Lê Thành Hòa - Chuyên viên phân tích mảng ngân hàng thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, năm 2021 nền kinh tế rất nhiều khó khăn mà tăng trưởng tín dụng vẫn đạt gần 14% thì mục tiêu 14% cho năm 2022 là không quá khó. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết, tăng trưởng cho năm 2022 cũng chỉ nên khống chế ở mức đó, vì nếu tín dụng cao hơn nữa có thể có những hiệu ứng phụ khác không tốt.

Về phía NHNN, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, tín dụng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, NHNN cũng vẫn chủ trương sẽ điều hành lãi suất theo diễn biến thị trường, cân đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Một số chuyên gia cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ nên cao gấp khoảng 2 lần so với tăng trưởng GDP, nếu cao hơn nữa có thể tạo ra những yếu tố gây mất an toàn về chất lượng tín dụng. Trong khi đó, các năm 2020 và 2021, tăng trưởng tín dụng cao hơn khá nhiều so với GDP, nhưng đây là thời kỳ khá đặc biệt khi nguồn vốn ngân hàng cần phải bơm mạnh hơn mức bình thường vào hoạt động kinh doanh để tiếp sức nền kinh tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế khi dần đi vào ổn định thì việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý trên cơ sở cân đối với tăng trưởng GDP là cần thiết để đảm bảo tính ổn định về mặt lâu dài.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kich-ban-moi-cho-dien-bien-tang-truong-tin-dung-nam-2022-99963.html