Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 phải có tầm nhìn 5-10 năm
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, năm 2025 đóng vai trò tăng tốc, bứt phá, tạo đà cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới, do vậy xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2025 phải tạo được nền tảng để tăng trưởng cao, bền vững trong 5-10 năm tiếp theo.
Năm 2024 kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng
Khái quát chung về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2024, phát biểu tại Diễn đàn kịch bản Kinh tế Việt Nam chiều 7/1, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết:
Năm 2024 là một năm nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, khó khăn, thách thức nhiều hơn là thời cơ, thuận lợi khi tình hình thế giới phức tạp, một số chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu biến động mạnh, đặc biệt là sự đứt gãy trong chuỗi vận tải - logistics khiến giá cước vận tải tăng cao trong thời gian kéo dài.
Giá cước vận chuyển container từ châu Á sang Mỹ và châu Âu nhiều thời điểm đã tăng gấp 2-3 lần so với năm trước, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu; cùng với đó, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm; kinh tế phục hồi chậm và thiếu vững chắc; tỷ giá, lãi suất biến động phức tạp...
Mặc dù vậy, năm 2024, lần đầu tiên sau nhiều năm (kể từ năm 2016), Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật như: Tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7%, tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tốc độ tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra.
Kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tổng thu ngân sách Nhà nước vượt trên 19% dự toán, góp phần bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; thu hút FDI đạt khoảng 40 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới...
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định đây là những kết quả rất quan trọng, làm tiền đề tiếp tục phát huy cho năm 2025.
Giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế năm 2025
Nêu những giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế năm 2025, tại diễn đàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết đây là năm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện và về đích các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Năm 2025 cũng là năm được xác định đóng vai trò tăng tốc, bứt phá, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và duy trì bền vững trong 5-10 năm tiếp theo. Chính phủ hiện đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số.
Về bối cảnh thế giới, năm 2025 là năm tiếp tục được dự báo sẽ có những biến động và biến đổi sâu sắc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tình trạng phân mảnh/phân tách trong hợp tác kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục gia tăng.
Xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đi cùng với đó là các biện pháp bảo hộ thương mại có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trở lại; tỷ trọng giao thương nhiều hơn trong các khối địa - chính trị cùng tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nước lớn đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi mô hình thương mại toàn cầu theo hướng thiếu kết nối hơn, tạo tâm lý thiếu ổn định trong hoạt động thương mại, đầu tư trên thế giới.
Một số thách thức mang tính cấu trúc lâu dài khác đối với kinh tế toàn cầu cũng phức tạp hơn, nổi lên là vấn đề già hóa dân số tạo ra những thay đổi căn bản trong cấu trúc lao động, buộc các nước phải tìm cách thích nghi; quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa đặt ra thách thức lớn hơn cho các nước phát triển ở trình độ trung bình và thấp... Tính bất ổn và khó dự báo của kinh tế toàn cầu khiến cho việc đầu tư vào các tài sản "trú ẩn" như vàng, bất động sản... có xu hướng tăng cao, giảm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh đó và với yêu cầu được đặt ra ở mức cao như đã nêu trên, Phó Trưởng ban Kinh tế nhận định năm 2025 cần được đặt ở một vị trí đặc biệt hơn; cách tiếp cận và xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2025 cũng cần được nhìn nhận theo hướng không chỉ bảo đảm để tăng trưởng cao riêng cho năm 2025 mà phải tạo được nền tảng quan trọng để tăng trưởng cao, bền vững trong 5-10 năm tiếp theo.
Nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương đề nghị các chuyên gia và nhà khoa học tham dự diễn đàn nghiên cứu, thảo luận về một số nhóm vấn đề như:
Thứ nhất, yêu cầu trước tiên, trên hết là phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là cần lưu ý thực hiện những giải pháp chính sách gì để bảo đảm và củng cố nền tảng này trong năm 2025 nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế?
Thứ hai, cần có các giải pháp đột phá và cụ thể nào để tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng? Đặc biệt là thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực đang tạo việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 46% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước...; để đầu tư tư nhân kết nối được với đầu tư công và đầu tư FDI, qua đó tạo ra sự cộng hưởng trong đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng?
Giải pháp nào đê thúc đẩy xuất khẩu phải gắn liền với kiểm soát nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ đóng góp vào GDP? Hay làm thế nào để nâng cao được sức mua, kích thích thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho tăng trưởng.
Xét trên giác độ tổng cung, cần có các giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao; các cực, trung tâm tăng trưởng, nhất là các địa phương như Hà Nội, TP HCM hay các vùng động lực như vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ?
Thứ ba là cần có các giải pháp cụ thể nào để tháo gỡ nhanh và triệt để những điểm nghẽn đang tồn tại, đặc biệt là những điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó điểm nghẽn về thể chế đang được coi là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhằm làm mới, huy động và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực truyền thống như nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nhất là nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên và nguồn tài lực. "Điều này rất quan trọng, bởi vì với GDP/người khoảng trên 4.000 USD chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển chủ yếu dựa trên hiệu quả các nguồn lực," ông Sơn nêu.
Thứ tư, cần có các giải pháp đột phá và cụ thể nào, nhất là các giải pháp về thể chế và chính sách để kiến tạo phát triển, nhất là để phát huy được ở mức cao nhất các nguồn lực mới cho tăng trưởng như nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nguồn lực văn hóa, lịch sử, truyền thống; nguồn lực thương hiệu của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam...?
Thứ năm là cần các giải pháp cụ thể nào để đảm bảo sự phát triển bền vững về xã hội và môi trường trong điều kiện tăng trưởng cao? "Tăng trưởng cao đã khó nhưng đảm bảo được sự phát triển bền vững trong điều kiện tăng trưởng cao còn khó hơn nhiều. Đây thực sự là vấn đề rất khó, rất phức tạp những đây cũng là sự khác biệt và là bản sắc phát triển riêng có của Việt Nam," Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, năm 2025 là năm kết của giai đoạn 2021-2025, cũng là năm bản lề tạo bước chuyển sang giai đoạn phát triển mới 2026-2030, với mục tiêu chung như vậy, hiện Ban Kinh tế Trung ương cũng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án về các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "2 con số" trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để báo cáo Bộ Chính trị xem xét trong quý 3/2025.