Kịch bản vận hành khoa học sẽ giảm thiểu ùn tắc giao thông

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, tổ chức giao thông (TCGT) là yếu tố vô cùng quan trọng. TCGT là kịch bản để vận hành hệ thống giao thông, càng khoa học sẽ càng phát huy tác dụng giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT), tối ưu hóa năng lực cho hạ tầng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, tổ chức giao thông (TCGT) là yếu tố vô cùng quan trọng. TCGT là kịch bản để vận hành hệ thống giao thông, càng khoa học sẽ càng phát huy tác dụng giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT), tối ưu hóa năng lực cho hạ tầng.

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Võ Chí Công. Ảnh: Phạm Hùng

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Võ Chí Công. Ảnh: Phạm Hùng

Hà Nội đã phải đối diện với vấn đề UTGT trong thời gian dài vừa qua. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Chúng ta đều thấy rõ, UTGT tại Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế cũng như môi trường đô thị. Những nguyên nhân chính gây UTGT cho TP gồm: lượng phương tiện cá nhân quá lớn, vượt xa mức độ đáp ứng của hạ tầng; thiếu công cụ quản lý giao thông thông minh; và cả công tác TCGT cũng cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, điều chỉnh TCGT có thể xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực sử dụng cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, việc điều chỉnh TCGT không hề dễ dàng, trong khi công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng lại cần nhiều năm nữa mới đạt được kết quả như kỳ vọng.

Vì sao công tác TCGT lại không dễ dàng, thưa ông?

- Những năm qua, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác trên cả nước đã tồn tại một vấn đề chung là TCGT không được tích hợp đầy đủ vào quy hoạch tổng thể. Nói một cách dễ hiểu thì các tuyến đường cứ được xây dựng nên, sau đó mới tính đến phương án lưu thông như thế nào, phục vụ loại hình phương tiện gì, năng lực đáp ứng bao nhiêu. Chính vì vậy nên TCGT gặp không ít bất cập.

Ví dụ như nhiều tuyến đường hiện nay không có chỗ để xây dựng điểm dừng, nhà chờ cho xe buýt, không có làn đường riêng cho xe buýt; hoặc phải xén dải phân cách, vỉa hè để làm chỗ đỗ xe, mở rộng làn đường lưu thông. Có nơi thì tuyến đường quy hoạch đã cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện tại nên muốn tối ưu TCGT rất khó khăn.

Một vấn đề khác nữa là người dân chưa được làm quen với khái niệm TCGT khoa học. Với nhiều người cứ đường to, cho đi thoải mái là được. Muốn sắp xếp lại làn nào cho ô tô, làn nào cho xe máy, chỗ nào cấm đi bộ, cấm quay đầu… cực kỳ khó thực hiện. Như vừa qua TP thí điểm phân làn bằng rào chắn trên một số tuyến đường cho thấy, chưa thực hiện người dân đã có ý kiến trái chiều. Vì vậy nên công tác TCGT của Hà Nội khó từ vấn đề kỹ thuật cho đến dư luận.

Vậy phải làm thế nào để giải quyết những khó khăn hiện hữu đó cho công tác TCGT của Thủ đô?

- Như đã thấy, điều chỉnh TCGT trên diện rộng với một đô thị lớn như Hà Nội không dễ. Để làm được một cách hiệu quả cần chú ý tới 3 vấn đề chính.

Thứ nhất là kịch bản TCGT phải được nghiên cứu kỹ, phù hợp với thực tế. Cần nhờ rằng chúng ta có rất nhiều xe cá nhân, nhất là xe máy, vì vậy phương án TCGT phải hài hòa lợi ích giữa các loại hình phương tiện.

Thứ hai là công tác tuyên truyền phải đi trước, làm thật tốt. Mỗi khi TCGT lại một tuyến đường, phố phải thông báo và có lực lượng hướng dẫn để người dân làm quen.

Thứ ba là phương án TCGT phải được tuân thủ tuyệt đối, không chỉ nhắc nhở, tuyên truyền mà còn phải xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, đi sai. Tập trung xử phạt sẽ nhanh chóng tạo thành nền nếp. Hơn nữa cần trang bị hệ thống camera xử phạt nguội để tăng cường hiệu quả, dần dần thay đổi thói quen lưu thông tùy tiện gây hỗn loạn đường phố. Thực tế hiện nay vẫn nhiều trường hợp cố tình đi sai phần đường, làn đường tại những tuyến có dải phân cách cả cứng lẫn mềm do xử phạt chưa triệt để.

Ngoài ra, phương án TCGT không chỉ có kẻ vạch, phân làn, lắp đặt đèn tín hiệu mà còn phải bao gồm cả các điều chỉnh hạ tầng bổ sung. Ví dụ như xây cầu đi bộ, cầu vượt nhẹ qua các nút giao… để tháo gỡ khó khăn cho giao thông, giúp người dân tuân thủ tốt hơn phương án TCGT. Về lâu dài, mỗi dự án đường giao thông phải xây dựng kịch bản TCGT ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, theo đúng quy định tại Luật Đường bộ 2024. Nghĩa là có phương án cho từng giai đoạn từ khi thi công đến đưa vào sử dụng, dự phòng khi có thay đổi thực tế.

Điều quan trọng nhất là cơ quan chức năng khi quyết định áp dụng phương án TCGT phải làm đến nơi đến chốn, không bỏ dở giữa chừng để né tránh áp lực. Nếu làm đúng, làm vì mục đích tốt thì phải kiên trì đồng hành, vận động người dân thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng phương án TCGT sử dụng dải phân cách và rào cứng không phù hợp với Hà Nội. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- TCGT là một tập hợp các biện pháp, quy định và hoạt động kỹ thuật, xã hội nhằm điều chỉnh, sắp xếp, điều khiển giao thông trên đường bộ một cách trật tự, an toàn, thông suốt và hiệu quả, chứ không chỉ có lắp đặt dải phân cách, hàng rào cứng để phân chia làn đường. Tuy nhiên trên một số tuyến trục chính đô thị hiện nay, giải pháp lắp đặt phân cách cứng để phân làn, phân luồng là cần thiết.

Bởi ý thức tuân thủ luật của không ít người dân còn thấp, thiếu camera giám sát, công tác xử phạt chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, chỉ có thể dùng phân cách cứng để cưỡng chế đi đúng làn, giảm thiểu xung đột gây hỗn loạn trong giao thông.

Vừa qua dư luận có nhiều ý kiến xung quanh việc dựng rào chắn phân làn trên hai tuyến đường Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công. Đây đều là những tuyến có mặt cắt rất rộng, lưu lượng lớn, tốc độ lưu thông cho phép cao. Vì vậy cần phải có dải phân cách cứng mới ngăn nắp, trật tự được. Có thể do mới áp dụng, nhiều người dân chưa quen nên mới dẫn đến phản ứng trái chiều; sau này quen rồi sẽ dễ dàng đón nhận và thực hiện nghiêm túc hơn.

Hà Nội đang rà soát, điều chỉnh TCGT trên diện rộng, chúng ta có thể kỳ vọng gì từ giải pháp này, thưa ông?

- Chúng ta cần nhìn nhận rõ rằng TCGT không phải “cây đũa thần” giải quyết được hết mọi vấn đề. Đó chỉ là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu UTGT mà thôi. Việc Hà Nội rà soát, điều chỉnh TCGT trên diện rộng là rất cấp bách, nhằm sớm khắc phục những lỗi “phần mềm”, tăng cường năng lực lưu thông cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng tất cả vào đó.

Song song với TCGT cần phải đẩy nhanh đầu tư, xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị, mở rộng mạng lưới buýt để người dân có thể dần dần từ bỏ xe cá nhân. Chỉ khi xe cá nhân được thay thế, UTGT và ô nhiễm môi trường mới được giải quyết một cách rõ nét, hiệu quả. Còn với tình hình quá tải xe cộ như hiện nay, tất cả sẽ phải cùng cố gắng và đương đầu với UTGT chứ không thể giải quyết dứt điểm.

Mặt khác, TCGT muốn hiệu quả phải đi kèm với ý thức, văn hóa giao thông được nâng cao. Người dân tự giác tuân thủ, chấp hành luật, phương án đi lại do cơ quan chức năng đề ra. Nếu cứ TCGT mà không có biện pháp cưỡng chế thực hiện thì chắc chắn sẽ bại nhiều hơn thành.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Hải thực hiện

Ngọc Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kich-ban-van-hanh-khoa-hoc-se-giam-thieu-un-tac-giao-thong.760088.html