Kích cầu đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng
Tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta có vai trò rất quan trọng của đầu tư công, trong khi đó đầu tư tư nhân còn rất thấp. Việc thúc đẩy các cơ chế chính sách nhằm kích cầu đầu tư tư nhân là vô cùng quan trọng.
Đầu tư tư nhân giảm mạnh
Chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, trong năm GDP năm 2023, tăng trưởng của Việt Nam đạt mức 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu, nhưng đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP lại có sự đóng góp chủ yếu của đầu tư công là chính, vai trò của đầu tư tư nhân còn rất ít. Năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ đạt 2,7%, mức thấp so với giai đoạn từ 2019 - 2023. Thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư là vô cùng quan trọng.
Cần thời gian để phục hồi lại đầu tư tư nhân
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - TS. Dorsati Madani, trong nội tại Việt Nam, đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi và cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này.
Ông Hiển cũng thẳng thắn thừa nhận, các cơ chế chính sách đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân hiện vẫn còn rất nhiều rào cản, chính sách chưa đưa vào thực tiễn được. Do vậy, cần có chính sách thực sự kích cầu đầu tư, đặc biệt đầu tư tư nhân, cần nhìn nhận thẳng thắn chính sách cho đầu tư tư nhân.
Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, đầu tư tư nhân chỉ khoảng 2,7%, là mức thấp chưa từng có trong hơn 10 năm vừa qua của kinh tế Việt Nam, thấp hơn cả thời kỳ dịch Covid-19 năm 2020 (3%). Theo ông, tăng trưởng đầu tư tư nhân của các doanh nghiệp tư nhân, của hộ gia đình cần phải ở mức gấp đôi, từ 6- 7% thì mới ổn. Do vậy, cần phải kích cầu đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, kích cầu tiêu dùng cũng là cần thiết. 3,52% trong năm 2023 là mức tăng trưởng rất thấp của tiêu dùng, chỉ bằng một nửa so với tiêu dùng của những năm trước là khoảng hơn 7%.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Chỗ ngứa” của kinh tế Việt Nam chính là đầu tư tư nhân và tiêu dùng cần phải được kích lên mạnh mẽ hơn nữa. Có 2 điều mà Việt Nam cần làm hiện nay để kích cầu đầu tư tư nhân là phải lấy lại niềm tin và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh”.
Tạo "không khí mới" thuận lợi cho doanh nghiệp
Từ góc độ của các doanh nghiệp (DN), ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, năm 2023 những “điểm tối” của tăng trưởng đến từ khu vực tư nhân rất nhiều. Mặc dù số lượng DN mới cũng đạt mức kỷ lục, nhưng tốc độ DN thành lập mới thấp so với nhiều năm gần đây và số lượng DN rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục; hay tăng trưởng tín dụng trầm lắng, tiếp cận tín dụng khó khăn, xuất khẩu giảm, nhất là với nhiều ngành có vai trò của DN tư nhân rất lớn.... Vì vậy, trong năm 2024, một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội, Chính phủ đó là phải làm sao chú trọng giải bài toán này để DN đỡ khó hơn.
“Vai trò chủ động, vai trò dẫn dắt của Nhà nước cần phải được tăng cường hơn thay vì chạy theo tháo gỡ khó khăn. Cần thay đổi cách tiếp cận từ tháo gỡ khó khăn sang tạo thuận lợi sẽ tốt hơn. Vì vậy, vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của DN là một điều cần phải làm ở nhiều cấp” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, ông Tuấn cho rằng, cần giảm chi phí kinh doanh. Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ, vấn đề về chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp giảm chi phí kinh doanh cần được phát huy triệt để và có lẽ cần phải có một gói tổng thể về giảm chi phí kinh doanh. Điều quan trọng là những chi phí về thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết thì cần tiếp tục giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời gian tới.
Cũng theo ông Tuấn, điều mà rất nhiều DN cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương, đó là đang có tâm lý đình trệ, tâm lý chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần phải thúc đẩy tạo lập một không khí mới, không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp.
“Tôi cho rằng trong năm 2024, đây là một nhóm giải pháp rất quan trọng để sốc lại tinh thần cho DN, có được không khí phát triển ở các địa phương. Có rất nhiều nghị quyết, cuộc gặp của Chính phủ rồi, nhưng điều này nên chuyển động ở nhiều cấp hơn xuống cấp địa phương, các bộ ngành, vì nếu chính sách tốt mà thực thi không tốt thì hiệu ứng trên thực tế không cao”- ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Loại bỏ rào cản về thể chế để thúc đẩy đầu tư từ khối FDI
Nói về thúc đẩy đầu tư tư nhân, đó không chỉ là thúc đẩy các DN tư nhân trong nước, mà cả các DN FDI tại Việt Nam. Chia sẻ xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhấn mạnh, tiêu chí ưu tiên hàng đầu đối với các DN châu Âu khi quyết định đầu tư tại bất kỳ quốc gia nào, đó là thể chế và thủ tục hành chính, sau đó mới là yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và gần như cuối cùng mới là ưu đãi thuế. Vì vậy, những rào cản về thể chế và thủ tục hành chính cần phải loại bỏ để thu hút và thúc đẩy đầu tư của khối FDI hơn nữa.
Theo ông Minh, đầu tư của châu Âu sang Việt Nam khá đa dạng, ở nhiều lĩnh vực và nhiều ngành nghề. Trong đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo không phải là đầu tư đơn thuần, mà là đầu tư để giải quyết được vấn đề thu hút đầu tư vào những lĩnh vực khác, tạo ra sự tuân thủ theo các tiêu chí để có thể xuất khẩu sang thị trường lớn.
Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam hiện nay vẫn chậm. Ví dụ những lĩnh vực có thế mạnh của nhà đầu tư châu Âu như: điện gió ngoài khơi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, cảng biển, logistics… Các DN châu Âu rất muốn đầu tư vào Việt Nam và tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa, nhưng hình thức đối tác công tư PPP đến nay vẫn còn rất chậm và gần như cũng chưa có một nhà đầu tư nước ngoài nào có thể tham gia được.
Về xu hướng thành lập trung tâm trung chuyển logistics ở Việt Nam, ông Minh cho biết, EuroCham đã đón nhận rất nhiều những yêu cầu và tìm hiểu của các nhà đầu tư châu Âu về vấn đề này, nhưng đến nay cũng vẫn rất chậm, bởi vì còn bị ràng buộc trong các quy định của pháp luật tại Việt Nam. Tất cả những điều này cần được sớm tháo gỡ và cải thiện hơn nữa.