Kích cầu tiêu dùng, cần giải pháp đột phá

Để kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước cần tư duy và những giải pháp, hành động đột phá.

Sáng 22-4, tại TPHCM, đã diễn ra hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Hội nghị do Cục quản lý phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục phát triển thị trường trong nước, nhấn mạnh đến 3 lý do tổ chức hội nghị. Theo đó, tình hình khu vực và thế giới từ cuối năm ngoái đến quý I năm nay có nhiều biến động khó lường, tác động đến chuỗi cung ứng, giá cả, tâm lý người tiêu dùng.

Ngoài ra câu chuyện thuế đối ứng của Mỹ dự kiến áp vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng tác động đến thị trường nội địa và sức mua. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, trong đó Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12% trong năm nay.

Ông Linh nhìn nhận, cần có những giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng 12%. "Việc thúc đẩy thị trường nội địa không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ riêng của ngành công thương, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Do đó, trong giai đoạn này, chúng ta cần phát huy cao độ vai trò của từng mắt xích trong chuỗi: sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước, để tạo nên một thị trường trong nước năng động, hiện đại và phát triển bền vững", ông Linh bày tỏ.

Nói về những khó khăn, thuận lợi của việc phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa trong năm 2025 này, ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường trong nước, nhìn nhận các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ, thúc đẩy đầu tư công giúp tăng thu nhập cho người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng qua đó thúc đẩy tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Chinh cũng nhắc đến một vài điểm khó. Thứ nhất lo ngại về việc làm và thu nhập không ổn định trong thời gian các đơn vị đang thực hiện sắp xếp (trong ngắn hạn 6 tháng đến 1 năm) sẽ ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân. Theo đó, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên tích lũy.

Chưa hết thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Ông Chinh cho biết thêm có ý kiến cho rằng khi xuất khẩu gặp khó thì quay về thị trường nội địa. Song nếu nghĩ bán hàng hóa xuất khẩu ở nội địa thì đó là tiếp cận chưa đúng. Tiếp cận đúng là kích cầu tạo ra sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nội địa.

Cũng trong buổi hội thảo, đại diện Bộ Tài Chính, NHNN, các sở công thương các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng có nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, tăng cường xúc tiến thương mại, ứng dụng số trong phân phối hàng hóa... để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Ngày 4-4, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, trong đó đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; đồng thời giao nhiệm vụ và chỉ tiêu tăng trưởng thị trường bán lẻ cụ thể cho từng địa phương nhằm phấn đấu đạt mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Thanh Dung

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kich-cau-tieu-dung-can-giai-phap-dot-pha-post122197.html