Kích cầu tiêu dùng nội địa

Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa được coi là 3 yếu tố chính giúp tăng trưởng kinh tế: trong đó xuất khẩu, đầu tư vẫn tăng trưởng tương đối tốt qua từng năm, nhưng động lực về tiêu dùng nội địa đang có những khó khăn. Để kích cầu tiêu dùng nội địa, các chuyên gia cho rằng cần tăng thu nhập khả dụng cho người tiêu dùng thông qua các chính sách giảm thuế.

Nhiều giải pháp được các nhà phân phối thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Ảnh: Nam Anh.

Nhiều giải pháp được các nhà phân phối thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Ảnh: Nam Anh.

Cải thiện sức mua

Số liệu thống kê từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1/2025 đạt khoảng 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%). Mức tăng này được Cục Thống kê nhận định, có sự đóng góp tích cực của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, kết quả này cũng được hỗ trợ lớn từ các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước như giảm thuế VAT hay chính sách thị thực thuận lợi nhằm thu hút khách du lịch quốc tế… Còn theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cùng với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, mục tiêu đón khoảng 23 triệu khách quốc tế năm 2025 khá khả thi. Khách du lịch tăng, nhu cầu chi tiêu, sử dụng dịch vụ tăng là đòn bẩy góp phần tăng trưởng thị trường nội địa.

Trong khi đó, về tiêu dùng nội địa cũng như mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cho năm 2025, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, tính toán mục tiêu tăng trưởng GDP là 8% thì tăng trưởng thương mại bán lẻ cần tối thiểu 12%. Trước năm 2020, thời điểm bùng phát dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ theo giá hiện hành luôn tăng trưởng hai chữ số, nhưng từ năm 2022 tăng trưởng giảm dần. Cụ thể, từ năm 2014 - 2019, ngành bán lẻ tại Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong khoảng 10 - 14%/năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng từ nửa cuối 2023 đến đầu năm 2024 chỉ đạt khoảng 7 - 9%. Điều này có thể phản ánh tâm lý thắt lưng buộc bụng và ưu tiên tích lũy tài chính của các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, với 5 sàn thương mại điện tử phổ biến (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo), doanh thu năm 2024 đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm trước. Với 3,42 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 50,76% so với năm 2023, trung bình mỗi ngày, người Việt chi khoảng hơn 870 tỷ đồng mua hàng online. Trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của các kênh phân phối trực tuyến, hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích… đang liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, giảm giá, ưu đãi luân phiên nhiều mặt hàng, ngành hàng khác nhau nhằm kích cầu mua sắm. Tăng trưởng tiêu dùng nội địa năm 2025 được hỗ trợ lớn từ nền tảng phát triển mạnh mẽ các hoạt động bán lẻ qua các kênh phân phối trực tuyến.

Giải pháp thuế

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để kích cầu nội tiêu dùng nội địa thì cần tăng thu nhập khả dụng cho người tiêu dùng thông qua các chính sách giảm thuế như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân, giảm phí trước bạ và một số loại phí khác. Đồng thời, cần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, yếu tố quan trọng giúp niềm tin doanh nghiệp phục hồi. Trên thực tế, hiện nay Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng, nổi bật là việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng đầu năm.

Đưa ra giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng Nhà nước nên xem xét hỗ trợ thuế thu nhập cá nhân thông qua việc điều chỉnh sớm mức giảm trừ gia cảnh khi đã lạc hậu và không còn phù hợp. Thu nhập thực nhận tăng lên, người dân sẽ mạnh tay mua sắm hơn. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng có thể còn thấp nhưng xét ở góc độ tích cực, điều này có thể giúp tạo tích lũy tiết kiệm, hướng dòng tiền vào hoạt động đầu tư.

Nghiên cứu mới đây của Công ty Đo lường toàn cầu – Nielsen cho biết, nhu cầu tiêu dùng được đánh giá sẽ tập trung vào các sản phẩm thiết yếu. Chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và hàng gia dụng tăng lần lượt 21,3% và 12,2%. Trong khi đó, chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ giảm 21% do người tiêu dùng ưu tiên tiết kiệm và bảo vệ tài chính cá nhân.

Trong khi đó, để tiêu dùng nội địa tăng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh đến việc thực hiện đồng bộ các giải pháp: Cải thiện thu nhập của người dân để thúc đẩy chi tiêu; Chính sách hướng đến đảm bảo cho tất cả người trưởng thành có thu nhập khả dụng; Phát triển các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ “made in Vietnam” phù hợp, đảm bảo chất lượng với giá cả phải chăng...

NAM ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kich-cau-tieu-dung-noi-dia-10302864.html