Kích hoạt động lực mới cho kinh tế số
Nghị định số 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.
Đây là bước đi có tính đột phá về thể chế, mở ra cơ hội vàng để Việt Nam tiến sâu vào không gian đổi mới sáng tạo tài chính, nắm bắt xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế toàn cầu.
Nghị định số 94/2025/NĐ-CP cho phép quản lý thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech), áp dụng cho các mô hình mới trong lĩnh vực ngân hàng chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật hiện hành, gồm: Cho vay ngang hàng (P2P Lending), chia sẻ dữ liệu ngân hàng, xác thực định danh điện tử, tín dụng số…
Theo đó, các tổ chức Fintech hoặc ngân hàng có sản phẩm mới sẽ được tham gia thử nghiệm trong “sandbox” có kiểm soát thời gian, phạm vi, đối tượng, rủi ro. Quá trình thử nghiệm được giám sát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan, vừa tạo không gian đổi mới, vừa bảo vệ quyền lợi khách hàng và hệ thống tài chính.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối diện áp lực toàn cầu từ chuỗi cung ứng, chi phí vốn, tiêu dùng chững lại…, việc kích hoạt động lực mới từ tài chính số là con đường cần thiết. Thí điểm Fintech theo Nghị định số 94/2025/NĐ-CP không chỉ là đổi mới công nghệ, mà còn là hành động chiến lược để chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ tín dụng truyền thống sang tài chính thông minh, đa dạng hóa nền tài chính hiện đại.
Để Nghị định số 94/2025/NĐ-CP trở thành bệ phóng vững chắc cho nền kinh tế, những nhóm giải pháp trọng tâm cần được thực thi quyết liệt, cụ thể như: Khơi thông dòng vốn cho "xương sống" kinh tế - các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhỏ... Nghị định cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) và tín dụng số. Đây chính là chìa khóa để giải quyết bài toán khát vốn cố hữu của khu vực kinh tế năng động nhất. Vì vậy, các công ty Fintech cần tập trung xây dựng nền tảng cho vay được "đo ni đóng giày" cho từng ngành đặc thù. Ngoài ra, thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp, các nền tảng phải ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích các nguồn dữ liệu thay thế nhằm xây dựng điểm tín dụng chính xác, giảm rủi ro và hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái tài chính mở (Open Banking) nhằm tạo ra một hệ sinh thái kết nối và hiệu quả. Các ngân hàng thương mại cần chủ động xây dựng cổng API (công cụ quản lý đóng vai trò trung gian giữa máy khách và các dịch vụ phụ trợ) an toàn, cho phép các công ty Fintech được kết nối và sử dụng các dịch vụ cốt lõi như truy vấn tài khoản, khởi tạo thanh toán. Từ nền tảng của ngân hàng, Fintech sẽ phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân thông minh, các công cụ so sánh và lựa chọn sản phẩm tài chính (vay, tiết kiệm, bảo hiểm) tối ưu nhất cho người dùng trên một giao diện duy nhất.
Tiếp theo, cần chuẩn hóa Định danh điện tử (eKYC) và hạ tầng dữ liệu - xây nền móng cho lòng tin số. Cụ thể là đẩy nhanh liên thông định danh quốc gia: Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng tốc việc liên thông, cho phép khai thác có kiểm soát dữ liệu dân cư, tạo ra một cơ chế eKYC quốc gia duy nhất, tin cậy. Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn dữ liệu, phòng chống tấn công mạng và bảo vệ thông tin cá nhân trong khuôn khổ “sandbox”.
Nghị định số 94/2025/NĐ-CP đã trao cho nền kinh tế một chiếc chìa khóa vàng. Nhưng để mở được cánh cửa thịnh vượng, cần có hành động đồng bộ và quyết liệt. Đó là sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm, sự cởi mở của ngân hàng trong việc hợp tác và quan trọng nhất là vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Chính phủ trong việc xây dựng các hạ tầng mềm (dữ liệu, tiêu chuẩn) cùng cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả.
Việc thực thi hiệu quả các giải pháp trên sẽ biến Nghị định số 94/2025/NĐ-CP từ một văn bản pháp quy thành cỗ máy kích hoạt tăng trưởng mạnh mẽ, khơi thông các nguồn lực, đưa nền kinh tế số Việt Nam tiến nhanh và bền vững.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kich-hoat-dong-luc-moi-cho-kinh-te-so-708470.html