Nga tăng cường triển khai các biện pháp chống rửa tiền
Ngày 8/7, Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Nga (Rosfinmonitoring) đã công bố báo cáo về hoạt động của hệ thống chống rửa tiền của Nga trong năm 2024.
Theo đó, Nga quan tâm và đẩy mạnh siết chặt việc kiểm soát các sàn tài chính không chính thức và các dòng tiền kỹ thuật số nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền, tham nhũng và hoạt động phi pháp.

Ảnh minh họa: wise.com
Theo thông tin của Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Nga (Rosfinmonitoring), trong năm 2024, cơ quan này đã phát hiện và đóng cửa 6 sàn tài chính ngầm với tổng doanh số giao dịch khoảng 11 tỷ rúp (khoảng 3.600 tỷ đồng). Khoảng 350 cá nhân và tổ chức bị xác định liên quan đến các hoạt động tài chính phi pháp này. Tuy vậy, cơ quan chức năng cho biết hiện vẫn còn khoảng 10 sàn đang hoạt động, trong đó có những sàn được cho là có liên hệ với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Nhằm tăng cường kiểm soát các giao dịch tiền kỹ thuật số chống rửa tiền, tham nhũng, Rosfinmonitoring, Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng khác đã phối hợp triển khai dự án“Blockchain minh bạch”, giúp giám sát và phát hiện sớm các giao dịch đáng ngờ.
Ngoài ra, báo cáo đề cập đến xu hướng gia tăng sử dụng vàng trong các hoạt động thanh toán, trong đó có những trường hợp bị nghi ngờ lợi dụng chênh lệch tỷ giá để mua vàng trong nước rồi bán lấy ngoại tệ ở nước ngoài. Đồng thời, các cơ quan chức năng Nga cũng đang hoàn thiện khung pháp lý nhằm kiểm soát hoạt động này hiệu quả hơn.
Một vấn đề khác đáng chú ý được nêu ra trong báo cáo liên quan đến các dịch vụ tài chính bất hợp pháp trên không gian mạng, đặc biệt với đối tượng vị thành niên. Cơ quan chức năng ghi nhận việc nhiều thanh thiếu niên sở hữu thẻ thanh toán liên kết với tài khoản phụ huynh đã trở thành mục tiêu của các nhóm lừa đảo hoặc bị lôi kéo vào các giao dịch bất hợp pháp. Theo thống kê, trong năm 2024 tại Nga, đã có hơn 700.000 tài khoản ngân hàng bị phong tỏa vì liên quan đến hoạt động tội phạm, với tổng số tài sản bị đóng băng lên đến khoảng 10 tỷ ruble (3.300 tỷ đồng).
Về hợp tác quốc tế, Nga hiện duy trì phối hợp chặt chẽ với khoảng 40 quốc gia, bao gồm các nước thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG). Mặc dù bị đình chỉ khỏi Nhóm Egmont (mạng lưới hợp tác giữa các đơn vị tình báo tài chính) Nga đã xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu riêng, hiện đã có 30 quốc gia tham gia, cho phép trao đổi thông tin tài chính bí mật. Ngoài ra, Nga cũng đang hợp tác chặt chẽ với các nước như Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Belarus và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong việc điều tra các giao dịch ngoại thương sử dụng chứng từ giả.