Kích hoạt quá trình thẩm định tuyến metro số 5 TP. Hà Nội
Nếu được thông qua, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sẽ là tuyến metro có quy mô vốn đầu tư lớn nhất từng được triển khai tại Hà Nội.
14 nội dung thẩm định
Theo thông tin của Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước vừa ký Quyết định số 1514/QĐ-HĐTĐNN phê duyệt Kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (tuyến metro số 5). Đây là quy trình rất quan trọng nhằm đánh giá tính khả thi của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tuyến metro số 5 trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Được biết, có tới 14 nội dung cần được thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho ý kiến, trong đó nổi bật là sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư; dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư; đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính; phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; đánh giá xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; tiến độ dự kiến thực hiện dự án…
Đối với nội dung mang đậm chất kỹ thuật và tài chính nói trên, vào đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 734/TTg-CN cho phép Hội đồng Thẩm định Nhà nước được thuê tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tuyến metro số 5. Hiện UBND TP. Hà Nội đã quyết định phê duyệt dự toán chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án với kinh phí khoảng 24,4 tỷ đồng.
Áp dụng phương thức đầu tư PPP
Theo kết quả nghiên cứu của UBND TP. Hà Nội, tuyến metro số 5 sẽ tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tuyến khai thác khoảng 25 - 40 đoàn tàu 4 - 6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.
Dự án Tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng, dự kiến được đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. Với quy mô đầu tư nói trên, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị có quy mô vốn đầu tư lớn nhất trong số các tuyến metro đã hoàn thành bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Hà Nội.
Để có đủ vốn xây tuyến metro số 5, UBND TP. Hà Nội sẽ dành 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021 - 2025 (trung bình 3.000 tỷ đồng/năm); 10.000 - 12.000 tỷ đồng vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; 15.000 tỷ đồng từ đấu giá một số khu đất; phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho phần kinh phí còn lại (6.900 tỷ đồng).
Tại Tờ trình số 151/TTr-UBND gửi Thủ tướng về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tuyến metro số 5, UBND TP. Hà Nội đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép triển khai đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia).
“Với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc đề xuất nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 để dần hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và tiến tới hình thành loại hình vận tải công cộng văn minh, hiện đại trên địa bàn TP. Hà Nội”, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.