Kịch Lưu Quang Vũ: Những 'Điều không thể mất'

Đã 31 năm (8/1988-8/2019) kể từ ngày nhà thơ, nhà soạn kịch tài hoa Lưu Quang Vũ ra đi mãi mãi, thì những gì ông để lại trong lòng công chúng vẫn là những 'Điều không thể mất' - đúng như tên một tác phẩm của ông.

Đó là chia sẻ của nhiều nghệ sĩ khi tham gia chương trình “Quán thanh xuân” khắc họa “tượng đài sân khấu kịch Việt Nam” – tác giả Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) vừa qua. Ngoài việc thưởng thức các trích đoạn kịch nổi tiếng trong chương trình, các nghệ sĩ thêm một lần nữa tái khẳng định giá trị và tầm vóc của kịch Lưu Quang Vũ đối với sân khấu kịch Việt Nam từ nhiều chục năm qua đến nay.

Lưu Quang Vũ đã được khẳng định là một từ khóa luôn có sức thu hút với khán giả. Sân khấu Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước sôi động, có hình khối một phần lớn nhờ vào tài năng và lao động nghệ thuật phi thường của Lưu Quang Vũ khi ông có đến hơn 50 kịch bản sân khấu, và hầu hết đều được dàn dựng, công chúng yêu thích. Ngay cả khi Lưu Quang Vũ đã về cõi khác, kịch của ông vẫn tiếp tục được dựng hàng năm ở cả hai miền Nam - Bắc, không chỉ lớp khán giả trung niên mà thanh niên cũng rất thích, nhiều đêm diễn trong tình trạng cháy vé...

Tại chương trình “Quán thanh xuân” với chủ đề theo một tác phẩm của Lưu Quang Vũ - “Điều không thể mất”, khán giả đã được xem lại 3 phân đoạn kịch nổi tiếng của ông, gồm: Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Tin ở hoa hồng do NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Xuân Bắc, Sĩ Tiến, Thanh Sơn, Chí Huy, Tuấn Anh, Mạnh Đạt... thể hiện. Những cảm xúc về kịch Lưu Quang Vũ lại ùa về, khán giả thêm một lần thổn thức, chìm đắm trong không gian nghệ thuật chỉ có trong những tác phẩm của “tượng đài sân khấu kịch Việt Nam”.

Tại “Quán thanh xuân” gần đây, NSƯT Xuân Bắc tiếp tục để lại dấu ấn với vai Văn Sửu trong phân đoạn kịch “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ

Tại “Quán thanh xuân” gần đây, NSƯT Xuân Bắc tiếp tục để lại dấu ấn với vai Văn Sửu trong phân đoạn kịch “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ

NSND Doãn Châu xúc động cho biết “Lưu Quang Vũ không chỉ là một người bạn bình thường mà còn là một phần của đời tôi”. Kịch Lưu Quang Vũ có từng lớp kịch, nhân vật kịch, vở kịch, từng giai đoạn sáng tạo và có một khát vọng lớn. Đó là khát vọng làm sao cho cuộc sống thay đổi, làm sao cho mỗi con người chúng ta được hạnh phúc.

“Hai chúng tôi rất gắn bó và có sự đồng điệu để làm nên nhiều tác phẩm, và những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vì thế luôn đầy khát vọng, xua tan những gì đau khổ để hướng về tương lai làm cho chúng ta yêu cuộc đời hơn” – NSND Doãn Châu chia sẻ.

Trong khi đó, NSND Lê Khanh, người từng vào nhiều vai diễn trong các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ đánh giá, kịch Lưu Quang Vũ có điều rất đặc biệt là câu thoại nào cũng hay, câu nào cũng sắc, câu nào cũng bình dị, hóm hỉnh và có duyên. Vì thế những gì tầm vĩ mô nhất, sắc bén nhất đều được gửi gắm vào lời thoại của nhân vật nên người ta thẩm thấu rất nhanh.

Vẫn theo NSND Lê Khanh, cá nhân chị và những người cùng thế hệ đã được lớn lên cùng những tác phẩm của Lưu Quang Vũ, sự lớn lên từ tuổi đời đến tuổi nghề, lớn lên về nhận thức con người với con người, con người với xã hội. Và hơn nữa, trải qua thời gian, một người làm nghề lâu năm như NSND Lê Khanh được lặp lại những câu thoại do Lưu Quang Vũ viết những mảng đời, con người, xã hội đánh dấu những giai đoạn rất điển hình của đất nước. Với NSƯT Đức Khuê, anh cho biết đã xem kịch Lưu Quang Vũ từ những năm học cấp 2 và sau này hạnh phúc hơn khi trở thành diễn viên, được tham gia diễn xuất trong các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ. “Kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ luôn chứa đựng tính nhân văn giữa con người với con người, lòng chung thủy, tính trung thực... Tôi rất thích ở những kịch bản của Lưu Quang Vũ là nhân vật rất điển hình trong hoàn cảnh điển hình” – NSƯT Đức Khuê chia sẻ.
Không khó để nhận thấy, sau gần 40 năm nhưng những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn mang tính phản biện xã hội, bởi không dừng lại ở những thuyết lý, khẩu hiệu mà ông đã làm bật lên được quy luật phát triển của đời sống thông qua những xung đột, những chi tiết sống động và đắt giá. Nhiều người đánh giá, ẩn sâu trong nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là tầm vóc của một nhà văn hóa.

Theo nghệ sĩ Sỹ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, những năm 80 của thế kỷ trước, kịch Lưu Quang Vũ đã gần như phủ sóng khắp cả nước và thế hệ nghệ sĩ đã tham gia các vở diễn của ông đến nay hầu như ai cũng thành danh như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSND Hoàng Cúc... Và nhiều thập niên tiếp theo, các nghệ sĩ trẻ đã thay vai cho thế hệ trước.

Nghệ sĩ Sỹ Tiến chia sẻ, “bao nhiêu thế hệ, chúng tôi vẫn cố giữ hồn cốt mà kịch Lưu Quang Vũ để lại. Phải thừa nhận rằng, tính triết lý tác giả đưa đến rất rõ rệt và chúng tôi không chỉ làm một câu chuyện cũ mà đã, đang nỗ lực tìm những cái mới, sự sáng tạo để giúp kịch Lưu Quang Vũ ngày một đi xa và ấn tượng mãi trong lòng khán giả”.

NSƯT Xuân Bắc đã tham gia vào nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ nhưng anh ấn tượng, và yêu nhất vai Văn Sửu trong vở “Bệnh sĩ”. NSƯT Xuân Bắc tin chắc những ai biểu diễn kịch Lưu Quang Vũ đều yêu nhân vật của mình. Trong kịch Lưu Quang Vũ luôn có tính triết lý, luôn hướng con người ta đến những điều tốt đẹp. Chẳng hạn trong vở kịch “Bệnh sĩ”, dù đây là vở hài kịch nhưng tác giả gửi thông điệp tới lớp trẻ, thông điệp về sự đổi mới và thông điệp của sự cố gắng vươn lên.

“Ngoài ra, ở kịch Lưu Quang Vũ, chúng ta còn thấy có tính đấu tranh, định hướng và tính dự báo rất rõ. Là thế hệ sau, chúng tôn luôn trân trọng và biết ơn nhà viết kịch Lưu Quang Vũ” - NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh.

Mai Tống

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/kich-luu-quang-vu-nhung-dieu-khong-the-mat-90770.html