Kịch tính thị trường vàng dịp Thần tài, có người bán 50 lượng
Thị trường vàng dịp Thần tài năm nay đã có nhiều diễn biến rất kịch tính cả về giá và động thái của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế với một số nước, trong đó có Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc đã có động thái đáp trả. Đến tuần giao dịch có ngày Thần tài, thị trường vàng thế giới và trong nước đều có nhiều biến động mạnh.
![Rất đông người dân đi mua vàng trong những ngày gần đây, vàng trang sức cũng là lựa chọn được nhiều người quan tâm - Ảnh: NGỌC DIỆP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_114_51416470/588c8986b1c8589601d9.jpg)
Rất đông người dân đi mua vàng trong những ngày gần đây, vàng trang sức cũng là lựa chọn được nhiều người quan tâm - Ảnh: NGỌC DIỆP
Bước ngoặt của thị trường trước ngày Thần tài
Những nỗi lo về kịch bản chiến tranh thương mại đã kéo giá vàng thế giới tăng đến hơn 100USD/ounce và lập mức đỉnh cao chưa từng có.
Động thái này ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn SJC tăng ngay hơn 1 triệu đồng/lượng vào phiên đầu năm mới ngày mùng 6 Tết.
Tổng quan thị trường, diễn biến thị trường vàng dịp Thần tài năm nay trong 3 ngày đầu khá tương đồng với nhau. Nếu nhìn vào số lượng người mua – bán trên thị trường, số lượng người mua vẫn áp đảo.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào khối lượng mua bán lại có sự chênh lệch rõ rệt. Khảo sát của phóng viên PLO vào một số thời điểm cho thấy cứ 7 người mua vàng thì mới có 3 người bán vàng. Những người đi bán vàng thường bán từ 1 cây đến 10, 20 cây; cá biệt có người bán đến 50 cây vàng.
Tuy nhiên số lượng người mua dù đông nhưng mỗi người chỉ mua 2,3 chỉ, cá biệt mới có người mua vài cây.
Việc người dân bán ra nhiều vàng có thể được minh chứng rõ ràng ở việc Bảo Tín Mạnh Hải công bố lượng vàng nhẫn tròn trơn mà đơn vị này mua vào ở Hải Dương tăng đến 50 lần so với ngày thường. Còn với vàng miếng, có khách hàng đã bán ra đến 30 lượng tại cửa hàng của công ty tại Hải Dương.
Tại Hà Nội, theo phản ánh của người dân khi đi bán vàng tại tiệm vàng Phú Quý trên phố Trần Nhân Tông, khách hàng đã không thể nhận tiền ngay mà chỉ có thể lấy giấy biên nhận và một tuần sau mới được nhận tiền bán vàng.
Với tác động cung cầu như vậy, không ngạc nhiên khi thị trường đã có diễn biến mới ngay từ khoảng 2h chiều ngày 6-2 (tức ngày mùng 9 Tết).
Vào đầu tuần, trả lời PLO, một số đại diện doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại Hà Nội cho biết họ không có vàng miếng, vàng nhẫn SJC mà chỉ có vàng trang sức và vàng miếng nhỏ hình con giáp để bán ra.
Họ lý giải, nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do người dân chỉ mua vào mà không chịu bán ra trong khi hoạt động nhập khẩu vàng bị hạn chế trong suốt nhiều tháng qua khiến họ khan hiếm về nguyên liệu.
Đến chiều hôm qua (6-2), cũng chính các đại diện doanh nghiệp kinh doanh vàng trên cho biết họ đã có vàng miếng SJC loại 1 lượng để bán ra trở lại vì nhiều người dân bán ra, riêng vàng nhẫn vẫn chưa có nhiều.
Thị trường tiền tệ cũng có những biến động. Vào đầu tuần, tỉ giá đồng USD tại Vietcombank ở mức 24.970 – 25.360 đồng/USD (mua vào – bán ra). Đến cuối giờ chiều ngày 6-2, tỉ giá đồng USD tại Vietcombank ở mức 25.060 – 25.450 đồng/USD.
Cảnh báo người dân về vàng nhái SJC
Thị trường vàng ngày Thần tài không chỉ nóng tại các cửa hàng vàng mà còn nóng trên các diễn đàn trực tuyến. Trên diễn đàn trực tuyến những ngày gần đây, số lượng người rao bán vàng từ vài cây đến vài chục cây tăng đột biến.
Đáng chú ý các diễn đàn đồng loạt xuất hiện những lời rao kiểu như “Em cần bán 10 cây vàng Bảo Tín Minh Châu, giá theo niêm yết”, hoặc “Em cần bán 15 cây vàng PNJ, có đầy đủ giấy tờ, chấp nhận cho khách vào PNJ kiểm tra”.
![Ảnh: NGỌC DIỆP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_114_51416470/ae447c4e4400ad5ef411.jpg)
Ảnh: NGỌC DIỆP
Đơn cử như trường hợp khách hàng ở quận 11, TP.HCM rao bán 5 cây (lượng) vàng PNJ, chênh lệch cưa đôi theo giá niêm yết trên website… Phần lớn các trường hợp đều rao bán với giá cao hơn nhiều so với giá mua vào niêm yết tại các công ty vàng nhưng… thấp hơn giá bán ra tại các công ty vàng. Chính điều này khiến nhiều người có ý định mua vàng tại các "chợ mạng".
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người dân về việc tránh mua vàng trôi nổi vì không đảm bảo về chất lượng.
Theo chuyên gia độc lập về thị trường vàng, ông Trần Duy Phương, vàng nhái SJC vẫn là miếng vàng thật nhưng không phải do Công ty SJC sản xuất.
Miếng vàng này nhái về hình thức bao bì như kích thước, cỡ chữ, dập nổi… giống đến trên 90% so với miếng vàng SJC sản xuất nên bằng mắt thường rất khó phân biệt, nhất là với người không phải là dân kinh doanh vàng.
Trước đây khi chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng 9999 lên đến hàng chục triệu đồng/lượng, vàng nhái đã xuất hiện trên thị trường và nhiều người mua phải vàng nhái mà không biết.
Ông Phương nhấn mạnh cho đến nay những miếng vàng nhái thương hiệu SJC này vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Nhiều miếng nhái tinh vi đến mức có thể qua mặt được cả một số tiệm vàng.
Còn theo ông Phan Dũng Khánh, thị trường hiện tại đang tồn tại quá nhiều rủi ro, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ tối đa từ 5 đến 10% danh mục đầu tư vào vàng.
Cập nhật vào 5h chiều ngày 6-2 (tức ngày mùng 9 Tết), giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 86,40 – 89,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 86,40 – 89,63 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).Giá vàng nhẫn trơn 24k tại PNJ giao dịch ở mức 87,60 – 88,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).