Kiếm chục triệu nhờ cành tre khô, thu 200 triệu/tháng từ vỏ cây lẫn rác

Từ những cành tre bỏ đi, một chàng trai tạo ra những tác phẩm độc đáo, được bạn bè quốc tế biết đến. Trong khi đó, một cô gái đi nhặt vỏ trái cây chế nước tẩy rửa sinh học góp phần bảo vệ môi trường lại kiếm bộn tiền.

Cử nhân kiếm hàng chục triệu/tháng từ những cành tre bỏ đi

Anh Nguyễn Duy Thắng (Hoài Đức, Hà Nội) theo học ngành thiết kế đồ họa. Do gia đình khó khăn, để có tiền trang trải, anh làm bút tre bán.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, anh Thắng quyết khởi nghiệp từ bút tre. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh cung cấp khoảng 3.000 chiếc bút tre ra thị trường. Trừ chi phí, anh thu lãi vài chục triệu đồng/tháng.

Không ít sản phẩm của anh được đem sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,... để bán. Anh Thắng liên tục nhận được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

Hơn 10 năm qua, anh Thắng vẫn miệt mài với những chiếc bút tre (Ảnh: Dân Trí)

Hơn 10 năm qua, anh Thắng vẫn miệt mài với những chiếc bút tre (Ảnh: Dân Trí)

Cô gái nhặt thứ rác thiên hạ vứt đi về 'hô biến' thành nước tẩy rửa

Chị Bùi Thị Bích Ngọc (TP. Thanh Hóa) cho biết trên báo Dân Việt, năm 2010, sau khi tốt nghiệp ngành kiểm toán, chị về làm cho một công ty bảo hiểm. Năm 2016, tình cờ biết đến nghiên cứu của Tiến sĩ Rosuko, người Thái Lan, về Eco Enzyme. Nghiên cứu này chủ yếu dùng phương pháp ngâm ủ và lên men thủ công những phế phẩm nông sản và vỏ trái cây để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, không độc hại.

Chị Ngọc nhận thấy đây là sản phẩm rất hữu ích lại rất phù hợp với những điều kiện sẵn có ở Thanh Hóa. Từ đó, chị quyết tâm khởi nghiệp với việc nghiên cứu ra một loại nước tẩy rửa sinh học từ rác thải nông nghiệp là vỏ dứa, kết hợp thêm với các loại vỏ trái cây giàu vitamin, tinh dầu. Nhiều người còn bảo đó là ý tưởng điên rồ, viển vông.

Đầu năm 2019, chị Ngọc đã chính thức đưa đứa con tinh thần của mình ra thị trường, với 4 dòng sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và Enzyme. Hiện các sản phẩm của công ty chị Ngọc được bày bán ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở 63 tỉnh, thành. Trung bình mỗi tháng công ty đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm, với doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Độc chiêu dùng rau, sữa... trị bệnh cho rau của chàng trai đi Nhật về

Vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh thì anh Trịnh Hưng Công (31 tuổi, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Trong quân ngũ, anh “bén duyên” với nghề trồng rau. Khi ra quân, anh chọn nghề trồng rau để khởi nghiệp.

Anh Công dùng các loại tỏi, ớt, sả,... trị sâu bệnh cho rau. (Ảnh: Dân Trí)

Anh Công dùng các loại tỏi, ớt, sả,... trị sâu bệnh cho rau. (Ảnh: Dân Trí)

Để theo đuổi đam mê, anh Công quyết định đi Nhật Bản học làm rau hữu cơ. Trong quá trình làm việc tại Nhật, anh còn học được công thức chế các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Anh Công không dùng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học nào. Nếu rau bị sâu bệnh gây hại, anh dùng các loại chế phẩm được chiết xuất ra từ quả thầu đâu (sầu đông), ớt, sả, thuốc lá, tỏi, gừng, rau răm,... và dùng cây mồng tơi, quả đậu bắp làm dung môi pha trộn với các chế phẩm nói trên để trị cho rau. Điều bất ngờ là rau vẫn tốt vùn vụt.

Anh Công cũng chia sẻ, sữa cũng có khả năng trị rầy rất hiệu quả. Sữa không giết được rầy, nhưng ký sinh vào rầy rồi lên men rất nhanh, lớp men này phá vỡ lớp bọc của rầy khiến chúng chết.

“Chỉ với 2 bịch sữa gần 10.000 đồng, nhưng có thể diệt rầy trên diện tích 1 sào rau (500m2). Thời gian rầy mới phát phun sữa 2 ngày/lần, sau đó kéo giãn ra từ 7-10 ngày/lần”, anh Công nói.

Biệt phủ làm từ 4.000 cây dừa "độc nhất vô nhị" của lão nông miền Tây

Công trình đặc biệt này thuộc sở hữu của ông Dương Văn Thưởng (80 tuổi) và bà Nguyễn Ngọc Giác (ở Vĩnh Long). Ngôi nhà được xây dựng từ 4.000 cây dừa có tuổi đời từ 80-100 năm với kinh phí 6 tỷ đồng.

Cây dừa vốn thân thuộc với cuộc sống người dân miền Tây nhưng lấy gỗ dừa để xây cất nhà được cho là chuyện hiếm. Bởi do đặc tính gỗ dừa khá đặc biệt, gồm nhiều thớ đan kết vào nhau và tạo thành lớp, chỉ khi cây dừa đạt độ từ 30 tuổi trở lên mới có thể dùng được.

Theo ông Thưởng, để xây dựng căn nhà theo đúng mong muốn, ông phải mất 10 năm từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thiện. Gia đình ông lặn lội khắp các tỉnh miền Tây, tìm mua những cây dừa già đã hết cho trái với tuổi đời từ 80-100 năm đêm về ngâm nước suốt 1 năm rồi xử lý thuốc mối mọt kỹ lưỡng. Nhờ đó, cây có độ bền rất cao, không thua kém chất liệu từ bê tông cốt thép.

Những 'hòn đảo bay', tiểu cảnh bay lần đầu xuất hiện ở Hà Nội

Hình ảnh hòn đảo bay thường xuất hiện trong những bộ phim viễn tưởng hay qua những câu chuyện cổ tích và hình vẽ. Song tại Hà Nội, những tiểu cảnh “bay” đã được một nghệ nhân làm giống y như thật khiến giới chơi cây sửng sốt.

Những “tiểu cảnh bay” rất độc đáo

Những “tiểu cảnh bay” rất độc đáo

Căn phòng nhỏ của anh Đinh Hữu Huỳnh, nằm trên đường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), là nơi anh làm ra những “tiểu cảnh bay” rất sinh động. Tác phẩm lớn nhất anh làm xong cách đây gần một tuần là tác phẩm “đảo bay” cao khoảng 40cm, mô phỏng một hòn đảo bay trong những bộ phim viễn tưởng.

Bắt được 2 con cá lệch 'khủng' trên sông Lam

Ông Bùi Văn Tám, chủ một nhà hàng ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, Nghệ An, cho biết trên Báo Tiền Phong, ông vừa mua được 2 con cá lệch nặng 29kg với giá hơn 30 triệu đồng. Hai con cá này được người dân đánh bắt trên sông Lam.

Cá lệch được xem là đặc sản của vùng miền Tây xứ Nghệ. Thịt của cá lệch rất bùi và dai, ít xương thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên được thực khách ưa chuộng và sẵn sàng trả giá cao, từ 1.000.000-1.100.000 đồng/kg.

“Siêu cây” làm từ dây đồng, gắn hạt cườm, lớn nhất Việt Nam

Những tác phẩm bonsai thường được các nghệ nhân tạo ra từ những phôi cây có sẵn trong tự nhiên. Song có những người tạo ra các tác phẩm bonsai đẹp không kém từ những sợi dây đồng.

Siêu cây” làm từ dây đồng lớn nhất Việt Nam (Ảnh: Dân Trí)

Siêu cây” làm từ dây đồng lớn nhất Việt Nam (Ảnh: Dân Trí)

Anh Vũ Tiến Thành (TP. Hải Phòng) là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam học cách tạo ra những tác phẩm bonsai từ dây đồng. Sau gần 10 năm, anh đã tạo ra được 1.000 tác phẩm.

Đáng chú ý nhất trong số đó là tác phẩm “Dáng làng”. Tác phẩm được anh Thành cùng 5 người làm trong vòng 1 tháng. Đây là tác phẩm bonsai làm từ sợi dây đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Cây cảnh dáng lạ, đáng giá cả gia tài khiến đại gia mê mẩn

Tác phẩm si cổ “Nhất trụ liên chi” của ông Huỳnh Thanh Tuyền (ở Bình Định) thu hút nhiều người yêu cây. Đã có người trả tiền tỷ nhưng chủ nhân không bán. Sở dĩ cây si cảnh này có giá đắt vậy bởi có dáng trực, thẳng đứng.

Cây ổi hồng đào gần trăm tuổi, vô cùng quý hiếm, dáng thế độc đáo của ông Phùng Anh Lê (ở Hà Nội) cũng gây chú ý với dân chơi cây cảnh. Chia sẻ trên Báo Dân Việt, ông Lê cho hay, đã có một số người sẵn sàng bỏ ra 1,5 tỷ đồng để mua cây nhưng ông không bán.

Tác phẩm sanh cổ “Ngũ long tranh châu” có tuổi đời trên 100 năm của ông Nguyễn Anh Tuấn (Vĩnh Phúc) cũng nổi danh trong giới cây cảnh. Ông Tuấn tâm sự trên Báo Dân Trí, thời điểm năm 1996, cây có giá 400 triệu đồng, nếu số tiền đó mua đất, đến bây giờ cây sanh phải có giá 50 tỷ đồng.

Quá mê mẩn cây tùng La Hán có dáng "ngạo nghễ" và hội tụ đủ 4 yếu tố: cổ - kỳ - mỹ - văn, ông Nguyễn Trọng Thành đã "xuống tay" bán cả căn nhà trên phố Lò Đúc (Hà Nội) để sở hữu cây tùng quý hiếm.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/kiem-bon-tien-tu-nhung-canh-tre-vo-trai-cay-bo-di-676916.html