Kiếm củi ba năm, đừng thiêu một giờ…

Câu chuyện thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, nới lỏng chứ không phải là thả lỏng những biện pháp phòng chống dịch không thể là thông điệp nghe rồi để đấy. Kiếm củi ba năm, thiêu một giờ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Cho tới nay, mới được 3 tuần kể ngày Nghị quyết 128 về “thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được áp dụng, số ca mắc cộng đồng đang có dấu hiệu tăng cao ở nhiều địa phương. Điều này cho thấy, câu chuyện thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, nới lỏng chứ không phải là thả lỏng những biện pháp phòng chống dịch không thể là thông điệp nghe rồi để đấy. Kiếm củi ba năm, thiêu một giờ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

1. Ngày 1/11, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký văn bản đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Hà Nội. Theo đó, toàn TP. Hà Nội chuyển từ cấp độ 1 (màu xanh, tức bình thường mới, theo đánh giá ngày 19/10) lên cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình).

Đặc biệt đáng quan ngại là 2 địa phương gồm xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) sau khi ghi nhận nhiều ca COVID-19 cộng đồng trong thời gian gần đây.

Ảnh: Quang Hùng

Chỉ trong khoảng thời gian từ 18h ngày 1/11 đến 18h ngày 2/11, Hà Nội ghi nhận 62 ca mắc COVID-19 mới, gồm 12 ca cộng đồng. Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chùm lây nhiễm trong cộng đồng: Chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, Thị trấn Quốc Oai (18); Chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng - Mê Linh (16); Liên quan các tỉnh có dịch (06), Chùm liên quan ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam (05); Chùm liên quan ổ dịch Phú Vinh, Hoài Đức (05); Chùm sàng lọc ho sốt (4); Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (3); Chùm liên quan ổ dịch Lê Đức Thọ, Mỹ Đình (3); Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (2), phần lớn đều liên quan đến tụ tập đông người hoặc mang tính chất gia đình, hết sức phức tạp.

Nhận định về tình hình dịch của Hà Nội, các chuyên gia đều đánh giá tình hình dịch bệnh tại Thủ đô đang diễn biến hết sức khó lường. PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, cho biết, thành phố cần tiếp tục rà soát ở những khu vực, vùng nguy cơ cao để bóc tách F0, khoanh vùng. Dù chúng ta không zero COVID-19 nhưng vẫn phải kiểm soát được dịch bệnh.

2. Đáng quan ngại hơn nữa, hiện tượng các ca nhiễm cộng đồng tăng lên đã và đang không chỉ diễn ra tại Hà Nội.

Bắc Giang được cho là đã phát sinh chùm lây mới khi tối 2/11, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, trong ngày trên địa bàn phát hiện thêm 17 ca F0.

Trước đó, Gia Lai, Đăk Lăk, An Giang, Phú Thọ, đều ghi nhận ca mắc COVID-19 tăng. Đặc biệt, An Giang ghi nhận 231 trường hợp mắc COVID-19, Quảng Nam thêm 38 ca mắc COVID-19, 6 ca trong cộng đồng.

Ảnh: Quang Hùng

Hay như Gia Lai xuất hiện nhiều chùm ca COVID-19 trong cộng đồng không rõ nguồn lây và đang có diễn biến hết sức phức tạp.

Từ đầu tháng 10 đến nay, Đắk Lắk đang ghi nhận số ca bệnh tăng mạnh với những chùm bệnh trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ phức tạp, thậm chí đã ghi nhận những chùm ca bệnh lên đến hàng trăm người mắc.

Sau hơn một tuần trở về trạng thái “bình thường mới”, TP. Cần Thơ cũng đã phát sinh 7 ổ dịch lớn với hơn 350 ca F0. Nguy cơ dịch có thể bùng phát, TP. Cần Thơ đề nghị nâng lên cấp độ 2. Ngày 1/11, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, chỉ đạo quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

3. Thực ra với loại virus không ngừng tự biến đổi thành các biến thể mới nguy hiểm như SARS-CoV-2, dịch bệnh COVID-19 đã được phần đa các chuyên gia đồng tình xem là căn bệnh đặc hữu thì việc các ca nhiễm mới quay trở lại là điều đã được lường trước.

Vấn đề cốt lõi, là học cách sống chung với virus, “bình thường hóa” với nó, thông qua một công cụ đang được xem là hiệu quả nhất cho tới thời điểm hiện tại, là tiêm chủng vacccine ngừa COVID.

Tuy nhiên, cũng chính vacccine ngừa COVID đang là yếu tố cốt lõi của mọi vấn đề. Trong khi thế giới nhiều nước đã tính tới chuyện mũi tiêm tăng cường thì tại Việt Nam, tỷ lệ phủ vaccine mũi 2 tại nhiều địa phương, trong điều kiện nguồn lực vaccine vẫn còn hạn chế, vẫn đang ở mức rất thấp.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19, tính đến 20/10, tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine cả nước là 79,1% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine mới chỉ đạt 33,7% dân số từ 18 tuổi trở lên. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các em học sinh từ 12-18 tuổi mới được khởi động tại một số ít địa phương.

Tỷ lệ phủ mũi 2 rất thấp và phần đa trẻ em chưa được tiêm chủng, mới là một phần của vấn đề. Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ học châu Âu, tiêm phòng toàn diện là cần thiết nhưng chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Thực tế, nhìn vào số ca nhiễm mới xuất hiện trở lại trong thời gian vài ba tuần qua, rất nhiều người mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccice hoặc tiêm ít nhất 1 mũi. Các chuyên gia cũng đều lưu ý, không phải cứ tiêm vaccice là không thể nhiễm bệnh hay không truyền bệnh cho người khác. Người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác. Người được tiêm vaccice mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vaccine và gây bùng phát dịch. Nói như Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cần xác định tiêm 2 mũi vaccice là giúp bản thân người đã tiêm nếu chẳng may nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng, giảm nguy cơ tử vong.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều người dân đã không nhận thức rõ điều này, thậm chí còn “ghim” trong đầu rằng: tiêm đủ 2 mũi vaccine là “an toàn tuyệt đối” với virus và tự cho phép mình thả lỏng mọi biện pháp phòng dịch. Nhiều người khi đã “dính COVID” rồi mới “ngộ” ra rằng tiêm đủ 2 mũi vaccine không phải đã có “tấm khiên” miễn nhiễm.

Thế nên, nói như PGS. TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dịch còn phức tạp đòi hỏi ý thức của người dân rất lớn, nếu không thực hiện tốt 5K, cứ tụ tập, không khẩu trang… không tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế thì rất nguy hiểm.

Nguy hiểm hơn nữa là không chỉ bản thân người dân tự thả lỏng mình, nhiều địa phương, từ chỗ “siết chặt” đến mức cực đoan giờ đây lại có dấu hiệu nới lỏng quá mức các biện pháp phòng chống dịch. Thực tế, từ chỗ bắt “treo biển” dán thông báo trước nhà, nhiều địa phương lại bất ngờ bỏ yêu cầu người dân từ các vùng dịch về phải theo dõi y tế tại nhà, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc với người khác, không đến chỗ đông người, khai báo y tế… Thực tế những ca nhiễm mới xuất hiện vừa qua là hệ lụy của sự nới lỏng thái quá này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch và yêu cầu các địa phương tiếp tục không “thả lỏng” người về từ vùng dịch.

Điều quan ngại là nếu đúng như xu hướng các ca nhiễm cộng đồng mới tại các địa phương thời gian qua, hoàn toàn không loại trừ khả năng dịch có thể lan rộng trở lại và nguy hiểm là chúng ta hoàn toàn có thể không biết dịch nằm ở đâu.

Người xưa có câu: “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Câu nói ấy hoàn toàn có thể áp vào tình hình dịch bệnh hiện nay nếu ý thức và các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được chấn chỉnh từ người dân đến các địa phương.

Trở lại cuộc sống bình thường mới là xu hướng tất yếu và cần phải làm để đảm bảo an sinh xã hội, sinh kế cho người dân và khôi phục nền kinh tế. Nhưng, cuộc sống bình thường mới chỉ có thể quay trở lại, đúng như tên gọi của nghị quyết 128, khi thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn. Quên mất hai chữ an toàn, tình huống xấu về dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy đến.

Hà Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-cui-ba-nam-dung-thieu-mot-gio-post164984.html