Kiểm đếm tài sản văn hóa, chuẩn bị hành trang hội nhập

Một cá nhân, một gia đình nhỏ, trước khi đi xa phải chuẩn bị hành trang chu đáo nhằm tránh sự cố trong hành trình đã định. Tương tự, Thủ đô Hà Nội cũng phải chuẩn bị hành trang đầy đủ để vươn ra biển lớn trong quá trình hội nhập và phát triển. Hành trang ấy không thể thiếu một thứ, đó là văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Kiểm đếm tài sản văn hóa giúp chuẩn bị hành trang cho giai đoạn phát triển mới và khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển.

Nhà Thái học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lê Việt

Nhà Thái học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lê Việt

Kiểm đếm tài sản văn hóa

Nhiều nước đã dùng thuật ngữ “tài sản” để nói về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nói kiểm đếm tài sản văn hóa, người ta hình dung ra cái gì đó cụ thể, có thể kiểm đếm được, thậm chí có thể sờ mó, xem xét, đánh giá, so sánh nó với thứ khác để cân nhắc lợi ích cho hiện tại và tương lai.

Việc xây nhà Thái học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một minh chứng. Nhà Thái học, gác chuông, gác trống rồi tả vu, hữu vu là bộ phận hài hòa, không thể thiếu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng thực ra được xây mới và khánh thành năm 2000, nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Về kinh tế, trước khi có khu nhà Thái học và sân đại bái, tổng thu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Có năm còn không thu đủ theo kế hoạch. Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường xuyên nộp ngân sách 30 - 40 tỷ đồng. Về ý nghĩa, đó là sự tri ân của chúng ta đối với các bậc tiền bối, các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông - những người đã cho xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và dựng bia tiến sĩ, xây nhà Thái học.

Việc xây nhà Thái học tại bãi đất hoang trong khuôn viên di tích Văn Miếu phải trải qua nhiều năm mới được Chính phủ đồng ý về chủ trương và Thành phố Hà Nội phê duyệt dự án. Vậy mà năm 1998, khi chuẩn bị khởi công vẫn có nhiều ý kiến trái chiều rằng làm như vậy là xâm phạm di tích... Vấn đề này không sai, nhưng bị hiểu máy móc về vấn đề bảo tồn yếu tố gốc của di tích. Lịch sử xây dựng và phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã cho thấy, bảo tồn yếu tố gốc không có nghĩa là giữ nguyên vẹn phần vật chất vốn có mà phải hướng tới việc bảo tồn thích nghi. Khi ấy, lãnh đạo Bộ Văn hóa và Thông tin (cũ) và các chuyên gia đã có tầm nhìn xa cùng sự phân tích sâu sắc, thấu đáo, giúp Thành phố Hà Nội quyết định triển khai xây dựng khu Thái học mới tại Văn Miếu. Mặc dù là công trình xây mới nhưng ngôn ngữ kiến trúc và vật liệu xây dựng các công trình đều đồng nhất với nhau. Đến giờ, tại khu vực này vẫn diễn ra nhiều hoạt động giáo dục, văn hóa phù hợp với yếu tố gốc của Văn Miếu, đó là tôn thờ sự học và người thầy.

Thăng Long - Hà Nội với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị cần được bảo tồn, nhưng điều kiện vật chất và năng lực của ngành Văn hóa Thủ đô không cho phép triển khai cùng lúc. Tuy nhiên, việc kiểm đếm đồng hạng cho phép đánh giá chính xác và lựa chọn, quyết định triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Và, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được kiểm đếm đồng hạng cùng Cổ Loa và Hoàng thành Thăng Long. Việc kiểm đếm giúp nhận diện rằng, chỉ có Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi so với 2 di tích còn lại.

Một việc kiểm đếm đồng hạng khác cũng cho kết quả rất khả quan, đó là các di tích cách mạng như 48 Hàng Ngang, Hội nghị Trung Dã, Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi kiểm đếm, đánh giá tổng thể các yếu tố và tính khả thi, Nhà tù Hỏa Lò được các chuyên gia lịch sử, văn hóa nhận định là có thể bảo tồn và phát huy giá trị nếu được quản lý tốt. Việc triển khai dự án Nhà tù Hỏa Lò đã khẳng định tính thực tiễn và hiệu quả của kiểm đếm tài sản văn hóa đúng nghĩa: Đầu tư hơn 300 triệu đồng để đến nay mỗi năm có tiền tỷ nộp ngân sách.

Chuẩn bị hành trang

Hội nhập phát triển là một hành trình lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, trong đó có hành trang văn hóa mà kiểm đếm tài sản văn hóa là bước đầu tiên.

Có thể thấy rõ điều này qua việc các Tổng thống, Phó Tổng thống Hoa Kỳ với sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn có sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam đã đưa văn hóa Việt Nam vào các bài phát biểu của mình.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, khi Việt Nam - Hoa Kỳ bắt đầu bình thường hóa quan hệ, Tổng thống Bill Clinton đã dẫn Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Hai câu Kiều nói thay cho tất cả việc làm, hoạt động ngoại giao, tình cảm, ý chí, nguyện vọng và tương lai của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Mười lăm năm sau (2015), khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Joe Biden (nay là Tổng thống Hoa Kỳ) lại dẫn Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Đến tháng 5-2016, khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam và lại dẫn Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin có một vật này làm ghi”. Ông còn trích đọc cả thơ thần của Lý Thường Kiệt và đọc lời bài hát của Văn Cao: “Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người”...

Cách mà các tổng thống Hoa Kỳ gửi thông điệp qua câu Kiều trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam thực sự tinh tế và sâu sắc hơn mọi ngôn từ có thể diễn tả. Nếu không có sự kiểm đếm tài sản văn hóa Việt Nam một cách sâu rộng, khó có thể ứng xử tinh tế, sâu sắc như vậy.

Với vốn văn hóa truyền thống đồ sộ, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bước vào quá trình hội nhập và phát triển khá thuận lợi. Vấn đề là phải kiểm đếm, sắp xếp một cách khoa học để phát huy nguồn lực văn hóa nhằm phát triển Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1057325/kiem-dem-tai-san-van-hoa-chuan-bi-hanh-trang-hoi-nhap