Kiểm điểm Công ty DVCI quận 9 vì chiếm dụng vốn hơn 61 tỷ đồng

Thanh tra TP Hồ Chí Minh vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra (KLTT), xác định Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 9 (Công ty DVCI quận 9 - PV) có nhiều sai phạm, trong đó chiếm dụng vốn hơn 61 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông báo KLTT chỉ kiến nghị kiểm điểm.

Ngày 4/5, Thanh tra TP Hồ Chí Minh ban hành thông báo KLTT số 37/TB-TTTP-P5, về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 tại Công ty DVCI quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh), có nhiều sai phạm.

Cụ thể, trong việc chấp hành quy định pháp luật về chính sách, chế độ tài chính, kế toán và quản lý việc sử dụng vốn, tiền, tài sản Nhà nước, công ty không xây dựng định mức chi phí sử dụng xe, thực tế chi phí sửa xe phát sinh cao dẫn đến hoạt động vận chuyển rác không hiệu quả.

Nhiều chung cư dành cho TĐC ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Tân Tiến.

Nhiều chung cư dành cho TĐC ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Tân Tiến.

Trong năm 2018, công ty điều chỉnh chi phí dở dang của các công trình phát sinh từ những năm trước sang chi phí bất thường, nhưng không đánh giá nguyên nhân không tiếp tục thực hiện, không thông qua Hội đồng thành viên (HĐTV); đối chiếu, xác nhận công nợ chưa đầy đủ; không trích lập dự phòng các khoản nợ phát sinh từ năm 2005, số tiền 145.541.503 đồng là sai quy định; đối với khoản vay Ngân hàng Phương Nam và khoản vay ông Nguyễn Hữu Tài - Giám đốc Công ty quyết định vay vốn nhưng không xin ý kiến chủ sở hữu là thực hiện chưa đúng quy định Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003.

Về việc quản lý căn hộ tái định cư (TĐC), trong đó có thu hộ tiền bán căn hộ TĐC, Công ty DVCI quận 9 chiếm dụng tiền thu hộ, chưa chuyển trả cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, sử dụng vào mục đích khác.

Đối với UBND quận 9 được UBND TP Hồ Chí Minh ủy quyền thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên, thanh tra việc chấp hành pháp luật của công ty, nhưng đã thiếu kiên quyết và chưa có biện pháp kịp thời, hữu hiệu, để công ty chiếm dụng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) sử dụng vào mục đích khác.

Ngoài ra, Công ty DVCI quận 9 giữ lại kinh phí bảo trì căn hộ TĐC, chưa giao bàn cho Ban Quản trị và chưa báo cáo với Sở Xây dựng theo dõi là thực hiện sai quy định. Đối với việc quản lý, sử dụng mặt bằng, trụ sở làm việc, KLTT cũng chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty DVCI quận 9.

Cụ thể, mặt bằng số 25B Lê Văn Việt (phường Hiệp Phú), công ty vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xây trụ sở văn phòng làm việc nhưng không báo cáo với chủ sở hữu; mặt bằng số 41 Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B), và cho thuê 8 ki ốt với số tiền 1.196.000.000 đồng, nhưng không nộp NSNN là trái quy định.

Trong công tác quản lý nhà ở cũ, nhà kinh doanh thuộc sở hữu Nhà nước, Công ty DVCI quận 9 không lập dự toán, quyết toán đối với nguồn thu, không báo cáo Sở Xây dựng (cơ quan quản lý nhà ở) và không hạch toán riêng các chi phí liên quan đến hoạt động này cũng sai quy định tại Thông tư 124/2016/TT-BTC ngày 3/8/2016 của Bộ Tài chính.

Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà ở, nhưng chưa hướng dẫn công ty lập dự toán, quyết toán các khoản thu, chi đối với nguồn thu này và Sở Xây dựng cũng chưa mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để các đơn vị quản lý, vận hành nhà ở nộp tiền vào tài khoản theo quy định là không thực hiện quy định tại Thông tư 124/2016TT-BTC.

Công ty DVCI quận 9 được UBND quận 9 giao cho thuê mặt bằng thửa số 1-2 tờ bản đồ số 22 Lê Văn Việt. Số tiền thu được, công ty không nộp vào NSNN là trái Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, ngày 20/8/2020 và ngày 8/9/2020, công ty đã vào ngân sách quận 9 số tiền 6.802.640.968 đồng.

Thông báo KLTT cũng chỉ rõ đối với 6 dự án Công ty DVCI quận 9 được giao: Long Bửu (giai đoạn 1), Long Bửu (giai đoạn 2), Long Sơn, Cây Dầu, chung cư Hiệp Phú và Khu công nghiệp vật liệu xây dựng Long Sơn. Công ty DVCI quận 9 cũng không tổ chức đấu thầu khi thực hiện dự án là trái quy định của quy chế đấu thầu được ban hành theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ, và Thông tư 04/2000/TT-BKH ngày 25/5/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Có 4 dự án TĐC, gồm: Long Bửu (giai đoạn 1), Long Bửu (giai đoạn 2), Long Sơn, Cây Dầu, thì công ty thực hiện theo chỉ thị 24/2004/CT-UB ngày 31/8/2004 của UBND TP Hồ Chí Minh về đầu tư và xây dựng 30.000 căn hộ chung cư dành cho TĐC trên địa bàn TP, công ty được tự thi công ứng hộ. Trong quá trình thực hiện các dự án, công ty đã sử dụng một phần vốn ngân sách tạm ứng về kinh phí bồi thường, chi phi kiến thiết cơ bản khác và sử dụng tiền thu được của các hộ dân được bố trí TĐC vào khu TĐC, chưa lập thủ tục nghiệm thu bàn giao, nhưng được chấp nhận tạm ứng thanh toán tiền mua nền là thực hiện không đúng chỉ thị 24/2004/CT.

Tại dự án khu TĐC ấp Cầu Xây, công ty tự quyết định đầu tư thực hiện dự án khi chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền là sai hướng dẫn của Sở KH&ĐT tại công văn 5364/KHĐT-XD ngày 1/11/2004, các dự án phải được Sở Xây dựng xem xét trình UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án là phục vụ TĐC cho người dân bị di dời, giải tỏa trong các dự án có sử dụng NSNN hoặc có tính ngân sách; thực hiện trái quy định Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

Đối với dự án TĐC chung cư Hiệp Phú, công ty điều chỉnh quy mô dự án do phát sinh hạng mục tường rào, dẫn đến tăng tổng đầu tư của dự án nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý là sai Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 và Nghị định 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.

Tại dự án khu TĐC Long Bửu (giai đoạn 1), việc Sở KH&ĐT tham mưu đề xuất và công ty phê duyệt lại dự án là thực hiện không đúng Thông tư 08/2005/TT-BXD ngày 6/5/2005 của Bộ Xây dựng về thực hiện Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ, mà theo quy định công ty chỉ được tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của dự án đã được duyệt.

Đối với dự án Khu công nghiệp vật liệu xây dựng Long Sơn, hệ số trả nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp năm 2013, thì tổng nợ phải trả vượt mức về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty phê duyệt dự án khi giá trị tài sản còn lại của công ty (năm 2008) là 578.695.262.000 đồng/133.211.151.987 đồng (444.037.173.291 đồng x 30%) là vượt thẩm quyền, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2003; vi phạm Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ.

Ngoài hàng loạt sai phạm nêu trên, thông báo KLTT còn chỉ ra việc công ty được tạm ứng vốn từ NSNN cho 5 dự án và thu được nguồn tiền từ các hộ dân được bố trí TĐC của từng dự án nhưng không nộp vào NSNN là sai quy định. Đây là hình thức chiếm dụng vốn NSNN, vi phạm Thông tư 130/2007/NĐ-CP ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính; vi phạm Nghị định 07/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP và Nghị định 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ.

Từ những kết luận nêu trên, Thanh tra TP kiến nghị và được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo xử lý. Theo đó, giao Chủ tịch HĐTV và Giám đốc Công ty DVCI quận 9 tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các phòng ban, cá nhân tại công ty có liên quan đến các vi phạm như đã nêu tại KLTT. Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, có hình thức xử lý đúng quy định. Chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản…; thực hiện bàn giao phí bảo trì còn lại (686.870.905 đồng) cho Ban Quản trị chung cư và có văn bản báo cáo Sở Xây dựng. Đặc biệt, khẩn trương nộp vào NSNN 61.779.397.337 đồng, gồm: 60.583.397.337 đồng tiền thu hộ bán căn hộ TĐC mà công ty đã chiếm dụng và 1.196.000.000 đồng thu được từ việc cho thuê 8 kiốt.

Đối với UBND TP Thủ Đức và các sở ngành liên quan thực hiện theo chức trách nhiệm vụ của mình theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kiem-diem-cong-ty-dvci-quan-9-vi-chiem-dung-von-hon-61-ty-dong.html