Kiểm định chất lượng giáo dục: Vượt qua khó khăn về nhân lực

Hiện nay, đội ngũ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục mỏng, chưa hiểu sâu và còn thiếu kinh nghiệm.

Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: NTCC

Trước thực trạng này, các trường, địa phương đã có nhiều giải pháp khắc phục nhằm thực hiện tốt công tác tự đánh giá, cải tiến chất lượng thực chất, hiệu quả.

Phần lớn là kiêm nhiệm

Chia sẻ khó khăn về kiểm định chất lượng giáo dục trong các nhà trường, điều đầu tiên được ông Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên (Lai Châu) nhắc đến là thiếu cán bộ quản lý, giáo viên có kinh nghiệm. Nhiều trường chưa có nhân sự được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về nội dung này nên khó khăn trong việc thực hiện quy trình tự đánh giá.

Hiện, toàn huyện có 22 cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn về kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là công việc đòi hỏi thời gian, công sức, trong khi đội ngũ này phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác, chưa kể một số đơn vị thiếu giáo viên so với định mức.

Một số thầy cô chưa hiểu rõ mục đích, tầm quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục và tự đánh giá. Ngoài ra, với trường có thay đổi về nhân sự, việc thu thập minh chứng phục vụ tự đánh giá, kiểm định chất lượng gặp khó khăn do phải lưu giữ minh chứng 5 năm. Có minh chứng bị thất lạc vì thay đổi đội ngũ hoặc bảo quản chưa khoa học.

Trước khó khăn này, ông Đoàn Văn Đạt bày tỏ mong muốn sở GD&ĐT tham mưu Bộ GD&ĐT tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên sâu; tổ chức tọa đàm, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về công tác kiểm định chất lượng, tự đánh giá và cải tiến chất lượng; tổ chức cho các trường tham quan học tập tại đơn vị thực hiện tốt. Với UBND huyện, tuyển dụng bổ sung đội ngũ còn thiếu để các trường đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ.

Nhân sự làm công tác kiểm định chất lượng, tự đánh giá tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Ea Kar, Đắk Lắk) hoàn toàn là kiêm nhiệm. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng, nhà trường thành lập Hội đồng tự đánh giá do Hiệu trưởng làm Chủ tịch; Phó Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn làm Phó Chủ tịch hội đồng; ủy viên hội đồng là các tổ trưởng và thư ký. Các ủy viên chịu trách nhiệm phụ trách 5 tiêu chuẩn cụ thể và giao tiêu chí đến tổ viên.

“Vì nhân sự đều kiêm nhiệm nên khó khăn trong sắp xếp thời gian để vừa bảo đảm công tác giảng dạy, vừa thu thập minh chứng. Những công việc này, hầu hết thầy cô phải làm ngoài giờ lên lớp, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Kinh nghiệm hạn chế, nhưng minh chứng các tiêu chuẩn, tiêu chí nhiều nên thầy cô phải rất nỗ lực để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, cô Lương Thị Hồng chia sẻ.

Khắc phục khó khăn nhân sự, giải pháp của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ. Giao nhiệm vụ cho các bộ phận phụ trách gắn với nhiệm vụ được phân công để thuận tiện khi thu thập minh chứng, tiêu chuẩn, tiêu chí.

Tuy nhiên, về lâu dài, để làm tốt việc này, cô Lương Thị Hồng cho rằng, các trường cần được tăng cường đầu tư nguồn lực về kiểm định chất lượng, bồi dưỡng đội ngũ phụ trách, như tham gia hội nghị, hội thảo về kiểm định chất lượng giáo dục.

Tương tự, nhân sự làm công tác kiểm định chất lượng tại Trường Tiểu học - THCS Mỹ Lộc (Thái Thụy, Thái Bình) cũng hoàn toàn kiêm nhiệm. Thầy Hiệu trưởng Giang Ngọc Ảnh cho hay: Phân công nhân lực do hiệu trưởng quyết định; hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều tham gia công tác này. Dù đã quen tay, quen việc, nhưng việc thu thập dữ liệu, minh chứng, viết báo cáo… mất nhiều thời gian nên thầy cô hết sức vất vả.

 Giờ học tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: NTCC

Giờ học tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: NTCC

Xây dựng kế hoạch bài bản

Tại Phú Thọ, ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc sở GD&ĐT cho biết, sở có kế hoạch cho các đơn vị tự đánh giá và đánh giá ngoài từ năm trước. Như vậy, quá trình thực hiện cả một năm nên nhà trường không quá áp lực về thời gian. Đồng thời, việc tự đánh giá, đánh giá ngoài còn có sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương; vào cuộc của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ về công tác này, sở GD&ĐT mời Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ cho nhà trường. Sở GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn cho đội ngũ tham gia công tác tự đánh giá hằng năm; đồng thời cử cán bộ quản lý, giáo viên các phòng của sở, nhà trường tham gia lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ của Bộ GD&ĐT và hiện có trên 700 người được cấp chứng chỉ.

Đây là lực lượng tham gia các đoàn của sở làm công tác đánh giá ngoài gắn với công nhận trường chuẩn quốc gia; đồng thời là lực lượng tư vấn giúp đỡ cho các trường trong công tác tự đánh giá.

“Phú Thọ là tỉnh có số trường được đánh giá ngoài gắn với công nhận trường đạt chuẩn quốc gia khá cao (chiếm 92,5%), nên công việc này khá quen tay với các đơn vị. Đặc biệt, UBND tỉnh rất quan tâm, hằng năm cấp trên 2 tỷ đồng hỗ trợ thành viên tham gia công tác đánh giá ngoài”, ông Phùng Quốc Lập chia sẻ.

Với huyện Than Uyên, các nhà trường cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm định chất lượng. Theo ông Đoàn Văn Đạt, nhà trường cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ lớp tập huấn, hội thảo do các cấp tổ chức về công tác tự đánh giá.

Cùng với tăng cường nâng cao nhận thức về mục đích, tầm quan trọng của tự đánh giá và kiểm định chất lượng, các nhà trường lập kế hoạch đánh giá định kỳ về tiến độ, kết quả của quá trình tự đánh giá, cải tiến chất lượng để kịp thời điều chỉnh các hoạt động.

Cùng đó, hợp tác với trường bạn để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ nhau. Các trường thành lập nhóm chuyên trách về công tác tự đánh giá, phân công cá nhân phụ trách cụ thể từng tiêu chí, tiêu chuẩn; hạn chế tối đa việc thay đổi để từng cá nhân nắm rõ yêu cầu của tiêu chí, thuận lợi trong thu thập, lưu giữ minh chứng. Cá nhân có đóng góp xuất sắc được động viên, khen thưởng kịp thời.

Những nội dung trên cũng được phòng GD&ĐT quan tâm chỉ đạo. Trong đó lưu ý trên cơ sở kế hoạch kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia theo giai đoạn của huyện, từng trường xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn về tự đánh giá, cải tiến chất lượng.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, phòng GD&ĐT chỉ đạo, hỗ trợ 100% trường số hóa minh chứng kiểm định và tất cả trường thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ trong việc này…

Tổ chức đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục kết hợp công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường kinh phí từ nguồn ngân sách, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện phục vụ dạy học tại nhà trường. - Ông Phùng Quốc Lập.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-vuot-qua-kho-khan-ve-nhan-luc-post696904.html