Kiếm hàng chục tỷ nhờ 'thổi hồn' cho chuông
Bỏ lại tiếng gọi ra thành phố lập nghiệp, anh Nguyễn Hữu Đức (SN 1992), chủ Cơ sở đúc đồng - Dát vàng Đức Thịnh, người con của làng nghề đúc đồng Vạn Điểm (Ý Yên, Nam Định) quyết định ở lại 'giữ lửa' nghề truyền thống.
Thành quả từ sự nhọc nhằn
Anh Đức là nghệ nhân tạo tác chiếc chuông đồng đặc biệt, cao 2m, nặng 1 tấn đặt trang trọng ngay cổng vào đền Trung, nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh (Minh Quang, Ba Vì), được bà con Ba Vì đặt đúc những ngày cuối năm 2024.

Cảnh đúc chuông đồng ở đền Trung (Ba Vì).
Nghe thanh âm của chiếc chuông, bà Nguyễn Thị Ngát (Hà Nội) chia sẻ: "Vừa đặt chân tới đền, lòng tôi đã thấy nhẹ bẫng như trút bỏ bao muộn phiền. Trong không gian linh thiêng, trầm mặc, tiếng chuông như nhắc nhở mỗi người phải sống sao cho trọn đạo hiếu, nghĩa tình".
Rất nhiều bà con, du khách đến đền thờ Tản Viên vào dịp tháng 3 cũng có chung cảm xúc khi nghe âm thanh trầm hùng và sâu lắng phát ra từ đỉnh non Ba Vì ở độ cao 1.227m.
Anh Đức không giấu nổi xúc động khi những "đứa con tinh thần" của mình cất tiếng: "Trong tiếng ngân ấy, tôi như thấm được vị mặn mồ hôi của mình, của những người thợ, thấm được những ngày vất vả bên lò lửa đỏ rực.
Tôi cũng tự hào khi công sức của chúng tôi kết tinh thành âm thanh sống động. Và đó chính là phần thưởng lớn nhất cho một người thợ đúc chuông như tôi".
Đòi hỏi công phu
Anh Đức cho biết, chuông anh đúc cho bà con Ba Vì chỉ là hai trong số nhiều chiếc chuông anh đã đúc trên toàn quốc theo đơn đặt hàng.
Theo anh Đức, đúc chuông là một chuỗi công đoạn phức tạp, từ đắp mẫu bằng đất sét trộn trấu, nung khuôn ở 500 - 700°C, nấu đồng ở hơn 1.000°C, sau đó mới đổ.

Để chuông “có hồn”, người thợ phải đặt tâm và chau chuốt từng công đoạn.
Nhưng sự cân bằng trong phối trộn đồng, thiếc mới là điểm sống còn. Chất lượng chuông phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như khuôn đúc, quá trình đúc. Khuôn đúc quá dày thì âm trầm, quá mỏng thì giòn. Rót đồng nhanh quá thì bọt khí, chậm quá thì đồng nguội. Tất cả phải hài hòa, đòi hỏi bí kíp chắt lọc kinh nghiệm của người thợ.
Cơ sở của anh là nơi làm việc của 15 lao động, sản xuất, cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 sản phẩm mỗi năm, như đỉnh đồng, đồ thờ, đồ lưu niệm bằng đồng, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm. Nhưng với anh, đúc chuông vẫn là khó nhất, nó cũng là "đỉnh núi" anh muốn chinh phục.
Anh Đức chia sẻ một bài học là lần nhận đúc một quả chuông lớn cho một ngôi chùa ở Quảng Ninh, cách đây 8 năm. Khi chuẩn bị rót đồng, anh quyết định tăng nhiệt độ lò để đồng chảy nhanh hơn, với suy nghĩ rằng sẽ tiết kiệm thời gian. Kết quả, khuôn đất sét nứt toác vì quá nóng, đồng tràn ra ngoài, cháy cả một góc xưởng.
"Tôi đứng chôn chân một lúc. Hơn 200 triệu đồng tiền nguyên liệu mất trắng. May là không thiệt hại về người", anh kể.
Tiếng chuông không chỉ là âm thanh
Sau thất bại ấy, anh Đức dành hàng tháng trời học lại từ cha và các bậc tiền bối. Anh nhận ra kỹ thuật đúc chuông không phải là chuyện làm nhanh hay làm nhiều, mà là sự tôn trọng quy luật của lửa, của đồng và của chính mình.
"Tôi học được rằng, vội vàng là kẻ thù lớn nhất của nghề này. Muốn chuông có hồn, phải kiên nhẫn, phải đặt tâm vào từng công đoạn và phải cân bằng mọi thứ thật hoàn hảo", anh chia sẻ.
Làm lại quả chuông, anh cẩn thận từng bước: Đo đạc khuôn, điều chỉnh nhiệt độ, rót đồng từ từ. Khi tiếng chuông ngân vang lần đầu tiên, cả làng kéo đến nghe, và anh đã bật khóc.
"Đó là khoảnh khắc tôi biết mình đã thực sự hiểu nghề," anh Đức chia sẻ và cho biết thêm, mỗi sản phẩm ra lò đều được anh chau chuốt tỉ mỉ, đặc biệt là "hồn chuông".
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đức Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: "Bà con Ba Vì luôn giữ gìn những giá trị văn hóa, tâm linh của quê hương. Khi quyết định đúc chuông lớn, chúng tôi không chỉ tìm một người thợ giỏi mà còn cần một người có tâm, có tầm, và thực sự am hiểu giá trị của chuông đồng".
Theo ông Đức Anh, bà con Ba Vì chọn Cơ sở đúc đồng - Dát vàng Đức Thịnh không chỉ vì tay nghề tinh xảo, mà còn bởi cái tâm của anh với nghề.
Mỗi quả chuông anh đúc ra không chỉ là một sản phẩm kim loại, mà còn mang theo linh hồn của đất trời, của văn hóa ngàn năm. Mỗi tiếng chuông ngân vang không chỉ đơn thuần là âm thanh, mà còn là lời nhắc nhở con người sống thiện.
"Khi nhìn người nghệ nhân cùng đội thợ miệt mài bên lò lửa đỏ rực, tôi hiểu rằng chúng tôi đã đặt niềm tin đúng chỗ.
Tôi tin, khi tiếng chuông ấy ngân lên giữa núi rừng Ba Vì, nó không chỉ lan xa trong không gian, mà còn vang mãi trong lòng người dân quê hương chúng tôi như một lời chúc phúc, một niềm tự hào, một sự kết nối giữa quá khứ và tương lai", ông Đức Anh bày tỏ.
Làng đúc đồng truyền thống Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được nhiều người biết đến với các sản phẩm đồ đồng chất lượng cao như đồ thờ bằng đồng, tượng các danh nhân và anh hùng dân tộc bằng đồng.
Trải qua hơn 900 năm phát triển, hiện tại, làng Vạn Điểm này vẫn giữ được truyền thống lâu đời, nét văn hóa đặc trưng riêng mà không phải làng nghề nào cũng có.
Các sản phẩm do làng đúc đồng truyền thống Vạn Điểm sản xuất luôn được đánh giá cao về độ tỉ mỉ và sắc nét. Đó là bởi chúng được tạo nên từ đôi bàn tay của những người thợ lành nghề giàu kinh nghiệm, được kế thừa tinh hoa của nghệ thuật đúc đồng truyền thống.