Kiếm hiệp Kim Dung: Ba trận chiến ác liệt và kinh điển nhất
Nếu đã từng đọc truyện hay theo dõi dòng phim kiếm hiệp Kim Dung, chắc hẳn không thể không nhớ đến những trận đại chiến ác liệt trong truyện.
Trận đánh tại đỉnh Quang Minh
Trong bối cảnh của Ỷ thiên đồ long ký, là cuộc đối đầu giữa chính phái và tà phái. Chính phái ở đây là Lục đại môn phái (gồm có Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Côn Lôn, Hoa Sơn, Không Động), trong khi đó trên giang hồ luôn coi Minh giáo là Ma giáo nên trong nhiều năm dài, họ đã cùng nhau liên kết hợp lực nhằm muốn xóa sổ Minh giáo vĩnh viễn.
Sự việc lên tới đỉnh điểm khi 6 môn phái này đồng nhất tổ chức một cuộc tấn công thẳng vào đỉnh Quang Minh - nơi trú ngụ của đệ tử Minh giáo. Theo cố nhà văn Kim Dung mô tả, khi cuộc chiến này diễn ra, nhân sĩ hai bên chính - tà tử thương vô số, xác người rợp đường lên đỉnh Quang Minh.
Tại đỉnh Quang Minh, Trương Vô Kỵ đánh bại nhiều cao thủ võ lâm của 6 phái, trong đó có cả Không Tính đại sư của phái Thiếu Lâm, vợ chồng Hà Thái Xung - Ban Thục Nhàn của phái Côn Lôn, Diệt Tuyệt sư thái của phái Nga My, ngũ lão của phái Không Động, Tiên Vu Thông của phái Hoa Sơn. Chu Chỉ Nhược, lúc này đã nhận ra Vô Kỵ, có mách vài chiêu khi chàng đấu kiếm, nhưng sau vì nghe lời sư phụ nàng đã dùng Ỷ thiên kiếm đâm chàng một phát chí mạng. Sau đó khi đẩy lùi Lục đại môn phái, Vô Kỵ được tôn vinh lên làm Giáo chủ thứ 34 của Minh giáo, kế vị giáo chủ đời 33 là Dương Đỉnh Thiên.
Mặc dù sau này số phận Minh giáo được lãnh đạo dưới thời của Giáo chủ Trương Vô Kỵ mới có thể được minh oan, được thừa nhận là một phần của võ lâm trung nguyên, tuy nhiên trận chiến ở đỉnh Quang Minh năm ấy mãi mãi là tổn thất lớn nhất của môn phái này.
Trận đánh tại Tụ Hiền Trang
Trong phim Thiên long bát bộ 2003, tại đại hội anh hùng diễn ra ở Tụ Hiền Trang, tất cả các nhân sĩ võ lâm và các môn phái tập trung lại để bàn ra kế hoạch đối phó với Tiêu Phong, người được cho là chịu trách nhiệm cho một loạt các cái chết của nhân sĩ võ lâm lúc bấy giờ. Nhưng biết rằng Tiết Thần Y - người duy nhất có khả năng cứu A Châu cũng đang tại đại hội này, Tiêu Phong liều mình dẫn A Châu vào đại hội anh hùng để A Châu được cứu, dù biết nguy hiểm.
Tại Tụ Hiền Trang, các nhân sĩ võ lâm đối đầu với Tiêu Phong và tình hình leo thang thành một cuộc chiến đẫm máu sau khi Tiêu Phong lấy rượu ra uống xem như tuyệt giao với các bằng hữu trước đây. Trận chiến diễn ra, một mình Tiêu Phong chống quần hùng, Hàng long thập bát chưởng lại một lần nữa uy trấn thiên hạ, đánh bại tất cả. Mới đầu Tiêu Phong còn giữ lòng nhân nghĩa, không ra tay tuyệt tình, nhưng về sau, dưới áp lực to lớn, Tiêu Phong mất tự chủ, giết hết phân nửa người tham gia đại hội.
Hai anh em Du Thị bị Tiêu Phong đánh bại và vũ khí của họ (cũng là vật gia truyền của gia đình) bị gãy. Họ tự tử vì xấu hổ, Du Thản Chi (hay Trang Tụ Hiền) là thiếu trang chủ Tụ Hiền Trang, con trai của Du Ký, tận mắt chứng kiến sự việc, từ lúc đó y chỉ có tâm niệm là tìm cách báo thù cho gia đình.
Còn Tiêu Phong sau khi giết quá nhiều nhân sĩ võ lâm, y cảm thấy hối hận và xót thương, không muốn giết thêm người vô tội, lại kiệt lực thiếu sức, định tự vẫn để tạ tội. Trong lúc đó có một người mặc áo đen nhảy ra cứu Tiêu Phong.
Trận chiến tại Hắc Mộc Nhai
Cũng giống như Minh giáo trong bộ Ỷ thiên đồ long ký, Nhật Nguyệt thần giáo trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ cũng luôn bị nhân sĩ võ lâm coi là Ma giáo, chuyên đi làm những chuyện thất đức hại người. Giáo phái này ban đầu được lãnh đạo bởi một đại ác nhân tên Nhậm Ngã Hành, tuy nhiên về sau lại bị chiếm quyền bởi Đông Phương Bất Bại - một cao thủ hàng đầu lúc bấy giờ.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, sau khi Nhậm Ngã Hành vô tình được Lệnh Hồ Xung cứu, đã điên cuồng tìm mọi cách để trả thù Đông Phương Bất Bại, khi nhận thấy đủ binh lực để kéo lên Hắc Mộc Nhai đánh bại Đông Phương, lấy lại ngôi vị giáo chủ của phái, Nhậm Ngã Hành đã cùng Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên có một trận đồ sát sinh tử với các đệ tử của Nhật Nguyệt thần giáo trung thành với Đông Phương Bất Bại. Và cũng như trận chiến ở đỉnh Quang Minh năm xưa, mục tiêu của họ đạt được, nhưng thương vong vô cùng lớn.
Ngoài 3 trận đại chiến ác liệt và kinh điển trên, còn có những lần các môn phái lớn trên võ lâm sẵn sàng quay lưng tàn sát lẫn nhau chỉ vì những ân án tư thù, những lần tranh đoạt bảo vật, bí kíp võ công hiếm có.
Còn tiếp…
Quốc Tiệp (t/h)