Kiểm lâm Thanh Hóa: 50 năm xây dựng và phát triển

Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã, đang không ngừng lớn mạnh, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức kiểm lâm Thanh Hóa thực sự bản lĩnh, sáng tạo, văn minh, thân thiện.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Như Thanh hướng dẫn chủ rừng tại xã Xuân Thái bảo vệ rừng mùa nắng nóng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: Thu Hòa

Lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng

Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 2/3 diện tích tự nhiên, phân bố ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có trên 648.370 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên 393.359,9 ha.

Rừng được quy hoạch thành 3 loại: rừng đặc dụng 80.368,9 ha; rừng phòng hộ trên 156.583 ha; rừng sản xuất trên 411.418 ha. Bên cạnh việc có diện tích lớn, rừng Thanh Hóa còn có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, nhiều loài cây dược liệu quý, nhiều loại lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường như luồng với hơn 60 triệu cây và hàng vạn tấn lâm sản ngoài gỗ được khai thác, tiêu thụ mỗi năm.

Những năm gần đây, rừng đặc dụng được đầu tư, bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi còn giàu tài nguyên rừng với nhiều loại lâm đặc sản quý hiếm; các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ tài nguyên, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái phục vụ đời sống Nhân dân tại Vườn Quốc gia Bến En và các khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Luông, Xuân Liên, Pù Hu; Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động...

Rừng phòng hộ được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng biên giới, rừng phòng hộ ven biển. Rừng sản xuất được mở rộng về quy mô, cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển dịch sang sử dụng các loại giống nuôi cấy mô cho năng suất cao, trồng rừng gỗ lớn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, từ đó đã hình thành được các vùng gỗ nguyên liệu tập trung, vùng gỗ lớn, vùng luồng.

Các năm vừa qua, thực hiện công cuộc đổi mới nghề rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp xã hội, từ chỗ lấy khai thác rừng là chính, thì nay đã chuyển sang lấy rừng làm đối tượng tác động để phát triển kinh tế, giúp Nhân dân các huyện miền núi xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ rừng.

Nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng của mình, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã kiên trì tham mưu cho các cấp chính quyền vận động Nhân dân và tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành xuất sắc công tác giao đất lâm nghiệp, làm cho rừng có chủ đích thực và là tỉnh đầu tiên hoàn thành cơ bản công tác giao đất lâm nghiệp vào cuối những năm 90 thế kỷ XX. Đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cả trước mắt và lâu dài.

Rừng có chủ, cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của chủ rừng, đã tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy chủ rừng và cộng đồng dân cư tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, làm cho vốn rừng toàn tỉnh ngày càng tăng cả về diện tích và chất lượng, an ninh rừng ngày càng ổn định theo hướng bền vững.

Nhận thức được yêu cầu thực tế đặt ra đối với việc giữ gìn giá trị đa dạng sinh học của rừng cho các thế hệ mai sau, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh sớm quy hoạch ổn định trên 80.000 ha rừng đặc dụng, bao gồm Vườn Quốc gia Bến En, các khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, các khu di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng, Đền Bà Triệu, Lam Kinh, Khu bảo tồn loài Sến Tam Quy (Hà Trung), Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động (Quan Hóa). Đây thực sự là tài sản vô giá để lại cho các thế hệ mai sau.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm và cán bộ Hạt Kiểm lâm kiểm tra rừng tại huyện Lang Chánh. Ảnh: Thu Hòa

Với phương châm “bám dân, bám rừng”, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã ngày đêm bám sát địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản, tạo điều kiện cho Nhân dân yên tâm sản xuất nghề rừng.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, những năm qua số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp hàng năm đều giảm sâu. Đặc biệt, không để hình thành các “điểm nóng” về phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Trong 5 năm gần đây không để xảy ra tình trạng cháy rừng. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp tiếp tục được tăng cường, đã kịp thời phát hiện, xử lý hàng trăm vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm được Nhà nước giao thêm nhiệm vụ phát triển rừng, trực tiếp làm chủ dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, được UBND tỉnh, UBND các huyện giao hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng của Nhân dân và hướng dẫn, chỉ đạo trồng cây xanh phân tán theo chủ trương của Nhà nước trồng 1 tỷ cây xanh từ năm 2020 đến năm 2025. Theo đó, hàng năm lực lượng kiểm lâm đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân trồng hàng chục ngàn ha rừng trồng tập trung, có chất lượng cao và hàng triệu cây phân tán...

Nhiều kết quả đáng tự hào

Xuất phát từ yêu cầu đổi mới tổ chức quản lý, bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa, lực lượng kiểm lâm đã được kiện toàn về tổ chức bộ máy và cán bộ, đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng và phát triển rừng theo hướng lâm nghiệp xã hội, nghề rừng Nhân dân.

Đến nay, đội ngũ công chức, viên chức kiểm lâm toàn tỉnh có trên 95% có trình độ đại học và trên đại học, hầu hết đã qua thử thách, rèn luyện trong thực tiễn công tác, đảm bảo hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao cả hiện tại và lâu dài. Để nâng cao hiệu quả công tác, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã thành công trong việc ứng dụng tin học và các công cụ phần mềm ứng dụng khác trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Sử dụng tin học điện toán đám mây, ảnh vệ tinh, camera, flycam trong việc xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, nguy cơ mất ổn định an ninh rừng, phát hiện sớm các vụ cháy rừng, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp... Mặt khác, còn ứng dụng có hiệu quả các máy móc, thiết bị tiên tiến trong công tác thiết kế trồng rừng, quản lý các loài lâm sản quý hiếm, quản lý nhân sự, tài chính, quản lý hồ sơ xử lý và đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; ứng dụng chữ ký số trong điều hành tác nghiệp, quản lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử từ Văn phòng Chi cục đến các hạt, đội kiểm lâm và các trạm kiểm lâm.

Công tác chỉ đạo, điều hành có bước đổi mới quan trọng, thực hiện nghiêm túc chế độ thủ trưởng trên cơ sở phân cấp, giao quyền theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quyền hạn; trách nhiệm của tập thể lãnh đạo với cấp ủy và thủ trưởng chuyên môn, thực hiện nguyên tắc mỗi việc chỉ một người chịu trách nhiệm chính. Tất cả hoạt động trong chỉ đạo, điều hành được thực hiện thông qua hệ thống nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị. Các chủ trương, chính sách đều chuyển hóa thành các dự án, đề án, phương án, chương trình công tác được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phân công tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, xác định kiểm lâm địa bàn là trung tâm, công tác thi đua - khen thưởng là động lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ là điểm nhấn. Từ đó, mọi hoạt động đều hướng vào việc xây dựng kiểm lâm địa bàn vững mạnh, coi đây là kết quả hoạt động của toàn lực lượng. Đồng thời, với các phong trào thi đua chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi cục phát động các phong trào thi đua chuyên đề, trong đó có Phong trào thi đua “Xây dựng hình ảnh công chức, viên chức kiểm lâm bản lĩnh, sáng tạo, văn minh, thân thiện”; các phong trào thi đua đã gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, toàn diện trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng lực lượng kiểm lâm trong sạch, vững mạnh.

Trong quá trình 50 năm xây dựng và trưởng thành, chưa bao giờ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động của lực lượng kiểm lâm lại phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, toàn diện như hiện nay. Từ khoa học quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đến việc xây dựng thực hiện các mô hình về trồng rừng thâm canh, phục tráng rừng luồng, quản lý các loài thực vật, động vật rừng quý hiếm, ứng dụng công nghệ tin học trong điều hành tác nghiệp thực hiện nhiệm vụ, thực hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015. Nhiều đề tài đã được Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu đưa vào áp dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp, trong đó có một số đề tài, sáng kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng lao động sáng tạo và được các cấp khen thưởng.

Kiểm lâm Thanh Hóa đã đi qua một chặng đường dài với biết bao khó khăn, thử thách, nhưng rất thành công và đáng tự hào. Để giữ được rừng, nhiều cán bộ kiểm lâm đã phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Thậm chí một số kiểm lâm viên đã trở thành thương binh, liệt sĩ. Trong suốt 50 năm qua, ngành kiểm lâm Thanh Hóa luôn chủ động phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tuân thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền, sự giúp đỡ to lớn của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ của đồng bào các dân tộc miền núi trong tỉnh.

Với kết quả công tác và thành tích đạt được, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và Huân chương độc lập hạng Ba. Vườn Quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR số 1 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều cán bộ trong ngành đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Mai Hữu Phúc

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/kiem-lam-thanh-hoa-50-nam-xay-dung-va-phat-trien/185550.htm