Kiểm sát viên có phải đứng khi trình bày cho Hội đồng xét xử?
Các luật sư cho rằng kiểm sát viên ngồi khi trình bày với tòa án là vi phạm nội quy và không tôn trọng hội đồng đang nhân danh Nhà nước. Chủ tọa cho biết việc nhắc nhở là thẩm quyền của tòa, không cần các luật sư đề nghị.
Đất ngập cũng phải đo như trên bờ
Ngày 24/7, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Sơn La.
Vụ án có 17 bị cáo, đa phần là cán bộ trong tỉnh như Trương Tuấn Dũng - nguyên Phó GĐ Sở Tài chính Sơn La; Phan Tiến Diện - nguyên Phó GĐ Sở TN&MT Sơn La; Triệu Ngọc Hoan – Giám đốc Sở TN&MT Sơn La…
Tại tòa, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Thanh - Phó phòng thuộc Trung tâm Kỹ thuật, Sở TN&MT) nêu quan điểm, sai phạm vụ án bắt nguồn từ chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La tại văn bản số 617. Ông Thanh hiện bị đề nghị nhận từ 4 – 5 năm tù về tội “Cố ý làm trái...”.
Theo truy tố, do quyền lợi người dân phải chuyển đi phục vụ công trình nhà máy thủy điện Sơn La không đảm bảo nên UBND tỉnh Sơn La ra công văn 617 yêu cầu huyện Mường La đo đất, đề xuất phương án bồi thường hỗ trợ thêm.
Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch số 41 triển khai theo công văn 617. Kiểm sát viên cho rằng, có sai phạm trong việc ban hành Kế hoạch 41 dẫn tới việc bị cáo Đèo Văn Ban (nông dân) được bồi thường sai gần 1,2 tỷ đồng.
Các bị cáo khác dù biết kế hoạch 41 sai nhưng vẫn làm theo hoặc thiếu kiểm tra... Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Thanh được cơ quan truy tố xác định biết rõ kế hoạch 41 sai; biết bản đồ dùng cho hỗ trợ, bồi thường với Đèo Văn Ban không đúng nhưng vẫn nghiệm thu đạt yêu cầu.
Bào chữa cho Nguyễn Văn Thanh, luật sư Lê Văn Thiệp đặt câu hỏi, tại sao kiểm sát viên khẳng định tất cả các bị cáo trong vụ đều biết rõ kế hoạch 41 có sai phạm dù họ không soạn thảo, triển khai... Ông Thiệp nêu nghi vấn, các bị cáo đều khẳng định được cán bộ điều tra thông báo, gợi ý viết bản cung có nội dung biết kế hoạch 41 sai, vậy liệu có sự áp đặt ý chí của phía điều tra?
Tiếp đến, luật sư Thiệp khẳng định kế hoạch 41 của Trương Tuấn Dũng được ban hành đúng dù không phù hợp với công văn 617 của UBND tỉnh. Lý do, khu đất trong vụ án đã bị ngập dưới lòng hồ thủy điện nhưng công văn 617 yêu cầu đo đạc như đất “trên bờ”, việc này không thể thực hiện được.
Kiểm sát có được ngồi khi trình bày?
Ngoài ra, luật sư cho rằng truy tố các bị cáo về tội “Cố ý làm trái...” là sai vì chính VKSND tỉnh Sơn La đã khẳng định họ không có đồng phạm. “Truy tố 17 người về tội danh có cùng khách thể bị xâm phạm là tài sản Nhà nước nhưng không có đồng phạm... kiểm sát viên đối đáp ra sao?”.
Người giữ quyền công tố ngắt lời, đề nghị tòa yêu cầu luật sư không được nói câu: “Kiểm sát viên đối đáp ra sao”. Luật sư Hoàng Tùng cũng ý kiến, đề nghị chủ tọa yêu cầu kiểm sát viên khi có ý kiến với Hội đồng xét xử phải đứng dậy vì: “Không thể ngồi nói, như vậy vi phạm nội quy phiên tòa, không tôn trọng hội đồng đang nhân danh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.
Trước đó, các luật sư đã liên tục đề nghị kiểm sát viên phải đứng dậy khi có ý kiến với tòa. Đáp lại, chủ tọa cho biết việc nhắc nhở thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, các luật sư không cần đề nghị.
Ngoài ra, luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sơn La điều tra vụ án này trái thẩm quyền. Cụ thể, vụ án xảy ra trước năm 2018 nên phải tuân theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự 2004. Pháp lệnh này quy định cơ quan ANĐT cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra các vụ án chống loài người, tội phạm chiến tranh... không được giải quyết vụ án “Cố ý làm trái quy định...”; đây là thẩm quyền của cơ quan Cảnh sát điều tra.
“Căn cứ nào để Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La khởi tố, điều tra vụ án? Việc này trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật nên toàn bộ các hoạt động tố tụng căn cứ trên cơ sở điều tra đó cũng là trái pháp luật” – luật sư Nam nêu quan điểm.