Kiểm soát an toàn bến thủy từ đầu năm mới

Đồng Nai có hệ thống giao thông đường thủy rất lớn với lượng phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa, hành khách dọc, ngang các tuyến sông dày đặc. Bên cạnh việc giúp giao thương thuận lợi, nhanh chóng thì hệ thống giao thông đường thủy cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Bến đò Lợi Hòa trên sông Đồng Nai luôn đông đúc người và phương tiện qua lại giữa H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và TP.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Đ.TÙNG

Bến đò Lợi Hòa trên sông Đồng Nai luôn đông đúc người và phương tiện qua lại giữa H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và TP.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Đ.TÙNG

Đặc biệt là trong những tháng đầu năm, khi hành khách đi lại trên sông, hàng hóa vận chuyển ra vào các cảng, bến tấp nập.

Không để tái diễn tai nạn đau lòng

Huyện Vĩnh Cửu hiện có một số bến thủy hành khách kết nối với TP.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với hàng trăm lượt khách qua lại hàng ngày ở mỗi bến. Đó là các bến: Bà Miêu (xã Thạnh Phú), Lợi Hòa (xã Bình Lợi), Bình Hòa (xã Bình Hòa)… Những năm gần đây, hàng ngày có khoảng 300-500 lượt khách qua lại các bến thủy nói trên và có xu hướng tăng dần vào những tuần cận Tết Nguyên đán.

Ông Mai Ngọc Phước, Quản lý bến thủy Bà Miêu (xã Thạnh Phú) cho hay, hiện bến có 2 phà hoạt động cùng lúc và 1 phà dự phòng. Lượng khách đi lại mỗi ngày khoảng 500 lượt, nhưng nhờ phà lớn nên chở được cả xe ô tô. Trong tháng 1-2024, lượng khách có xu hướng gia tăng, chủ yếu là người buôn bán, đi lại liên tục giữa H.Vĩnh Cửu và TP.Tân Uyên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG đã yêu cầu Sở GT-VT chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường xử lý vi phạm vận chuyển khách; kiểm tra các hoạt động của bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch, các điểm du lịch, các bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Không chỉ ở H.Vĩnh Cửu mà các bến thủy hành khách trên toàn tỉnh cũng ghi nhận tình hình lượng khách gia tăng gần đây, nhất là vào các dịp cuối tuần. Thậm chí tại bến phà Cát Lái, trong những ngày lễ, Tết, cuối tuần còn xuất hiện tình trạng dòng xe xếp hàng dài trên đường Lý Thái Tổ (H.Nhơn Trạch) và Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức, TP.HCM) để chờ qua phà. Chính vì lượng khách gia tăng đã khiến nỗi lo tai nạn giao thông đường thủy dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán gia tăng.

Trên thực tế, trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 1 người; so với năm 2022 tăng 1 vụ. Cả 2 vụ tai nạn trên đều xảy ra trên sông Đồng Nai vào dịp đầu năm 2023 và gây lo lắng cho người dân.

Đó là vụ tai nạn vào sáng 5-2-2023 giữa đò số hiệu ĐN-1228 chở 12 khách trên sông Đồng Nai và sà lan số hiệu VL-15108 (xảy ra tại địa phận TP.Biên Hòa) khiến đò lật úp, làm 1 thai phụ 32 tuổi tử vong. Trước đó, ngày 5-1-2023, sà lan chở cát số hiệu LA-07291 lưu thông trên sông Đồng Nai cũng va chạm với phà Cát Lái số hiệu SG-5889 (đang chở khách từ bờ TP.HCM sang bờ tỉnh Đồng Nai) khiến phà hư hỏng phần vỏ phía mạn đuôi.

Sau 2 vụ tai nạn nói trên, lực lượng chức năng đã tập trung nhiều giải pháp kiểm soát, chấn chỉnh an toàn giao thông đường thủy, an toàn tại các bến thủy nội địa. Riêng lực lượng công an đã bố trí 400 tổ tuần tra kiểm soát, xử lý hơn 1,8 ngàn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy (phạt hơn 1,32 tỷ đồng). Trong đó chủ yếu là hành vi chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (670 trường hợp) và không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật (113 trường hợp)...

Ngoài ra, Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) cũng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông của các phương tiện vận tải thủy, phương tiện neo đậu không đúng nơi quy định. Đồng thời, kiểm tra cả các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông. Qua đó đã xử phạt tổng cộng 33 trường hợp với tổng số tiền 144 triệu đồng, các vi phạm chủ yếu vẫn là không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật hoặc các hành vi liên quan đến vận tải hành khách, hàng hóa.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho hay, năm 2023, Ban đã chủ trì phối hợp với Sở GT-VT, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Thanh tra giao thông (Sở GT-VT), Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai (Sở GT-VT)… kiểm tra các cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh vận tải đường thủy nội địa tại 6 bến khách ngang sông và bến hàng hóa. Khi phát hiện các vi phạm, Ban đã yêu cầu Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) theo dõi và báo cáo việc khắc phục.

Kiểm soát thường xuyên, không chờ cao điểm

Vừa qua, theo Kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông trên toàn tỉnh năm 2024, trên đường thủy, UBND tỉnh yêu cầu lực lượng công an tăng cường kiểm tra các cảng, bến thủy hoạt động không phép, sai phép. Chú ý kiểm tra các hành vi như: lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng; hoạt động khai thác cát trái phép, khai thác và nuôi thủy sản gây cản trở giao thông. Qua đó xử lý nghiêm các vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, các vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, trang bị phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật...

Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra các dụng cụ cứu hộ tại Bến đò Bà Miêu trên sông Đồng Nai, thuộc H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Đăng Tùng

Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra các dụng cụ cứu hộ tại Bến đò Bà Miêu trên sông Đồng Nai, thuộc H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Đăng Tùng

Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai (Sở GT-VT) cho hay, đơn vị đã tổ chức kiểm tra về điều kiện an toàn của hệ thống cảng, bến thủy nội địa, điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa ra vào cảng, bến trong phạm vi quản lý. Việc này sẽ được thực hiện ngay cả trong Tết Nguyên đán 2024. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cảng, bến, phương tiện không đủ điều kiện an toàn theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Cùng với đó, lực lượng chức năng đã lắp đặt 58 camera giám sát tại các cảng, bến thủy nội địa trên toàn tỉnh. Qua đó sẽ giám sát quá trình bốc dỡ hàng, ra vào cảng, bến, ngăn chặn các hành vi bốc xếp hàng không đúng quy định, quá vạch mớn nước.

Chánh Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) Nguyễn Phan Trong cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa. Cụ thể là kiểm tra các phương tiện hoạt động vận tải khách ngang sông. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ bến chấp hành quy định giao thông đường thủy nội địa trong việc đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách, phương tiện đủ điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy định. Nhất là kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến và phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật”.

Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 5 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT) LÊ CAO TRÍ:

Kiểm tra, nhắc nhở các quy định về an toàn

Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương, các lực lượng có liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tại các bến thủy hành khách trên sông Đồng Nai, trên hồ Trị An. Trong đó chú ý kiểm tra việc chấp hành quy định về vận tải hành khách, các điều kiện an toàn của phương tiện. Đồng thời, chúng tôi nhắc nhở cả người vận hành phương tiện và hành khách không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Ông TÔ HUY HOÀNG, thuyền trưởng tại Bến đò Ông Thiện (hoạt động trên sông Đồng Nai, H.Tân Phú):

Đề nghị khách qua sông phải mặc áo phao

Khi có khách qua sông, chúng tôi sẽ đưa và đề nghị khách mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cầm tay. Ngoài ra, tùy theo điều kiện thời tiết, nếu trời có mưa thì chúng tôi sẽ tạm ngưng chạy để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra niên hạn sử dụng, thời hạn bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị tại bến và trên phương tiện để đảm bảo ứng phó kịp thời khi không may có sự cố phát sinh.

Minh Thành (ghi)

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/an-toan-giao-thong/202402/kiem-soat-an-toan-ben-thuy-tu-dau-nam-moi-fa15d61/