Kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, thì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn bán trú trong các trường học trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang được các trường học, cơ quan chuyên môn, và chính các bậc cha mẹ học sinh thường xuyên kiểm tra, giám sát để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, thì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn bán trú trong các trường học trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang được các trường học, cơ quan chuyên môn, và chính các bậc cha mẹ học sinh thường xuyên kiểm tra, giám sát để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi các nhân viên nhà bếp đang chế biến và chuẩn bị các suất ăn bữa trưa cho học sinh. Điều cảm nhận đầu tiên là khu bếp có không gian thoáng, mát và được thiết kế theo quy trình một chiều với đầy đủ trang thiết bị như hệ thống tủ đông lạnh bảo quản thực phẩm, tủ lưu mẫu thức ăn, bồn sục ô-dôn, bồn rửa, trang thiết bị phục vụ chế biến, đựng thức ăn… đều được làm bằng i-nốc. Đáng chú ý, nhà trường còn lắp đặt ca-mê-ra tại khu bếp để kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình chế biến thực phẩm và chia khẩu phần ăn cho từng học sinh. Cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An cho biết: Hiện Nhà trường có 31 lớp, với tổng số 1.091 học sinh, trong đó có 1.089 học sinh ăn bán trú, cho nên công tác bảo đảm ATTP luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Mặc dù Nhà trường đã ký hợp đồng với các cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm có đầy đủ năng lực, cơ sở pháp lý được các cơ quan chức năng xác nhận, cấp phép theo quy định của pháp luật; nhưng Ban Giám hiệu vẫn thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất tại bếp ăn và các bữa ăn của học sinh. Đồng thời, công khai thực đơn, khẩu phần ăn của học sinh hằng ngày trên trang thông tin điện tử của Nhà trường để phụ huynh biết và giám sát. Hiện nay, để phòng, chống dịch Covid-19 tránh tập trung học sinh đông, Nhà trường đã đầu tư các xe đẩy cơm đến các lớp, trong đó có khay chứa thức ăn mặn, cơm, canh được bảo quản sạch sẽ, bảo đảm cho học sinh ăn uống tại lớp, cũng như thuận tiện trong việc quản lý, chia suất ăn cho học sinh… Tương tự tại Trường mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai, Hà Nội), với 540 học sinh ăn bán trú, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm các điều kiện về ATTP trong trường học, Ban Giám hiệu, đại diện các bậc phụ huynh thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát tất cả các công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm. Lên thực đơn mỗi bữa trong tuần nhằm bảo đảm cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, nhất là việc kết hợp nhiều loại thực phẩm, nhiều loại rau củ quả để tăng phần hấp dẫn cho mỗi bữa ăn của học sinh.

Với hai phân hiệu, nên Trường tiểu học Trần Phú (quận Hà Đông) không bố trí được bếp ăn bán trú trong trường, cho nên toàn bộ gần 1.700 suất ăn bán trú của học sinh hằng ngày thuộc hai phân hiệu đều được đơn vị cung cấp suất ăn chế biến từ bên ngoài rồi vận chuyển vào trường. Cô giáo Ngô Thị Hồng Lương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú cho biết: Do điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, cho nên khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn, Nhà trường đã yêu cầu đơn vị này thực hiện nghiêm các quy định về nguyên liệu, quy trình chế biến phải thuê mặt bằng gần trường chế biến các suất ăn, nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển các suất ăn cho học sinh và thuận tiện cho công tác giám sát của Nhà trường, hội phụ huynh, trong khâu nhập nguyên liệu, quy trình chế biến, vận chuyển vào bất cứ thời điểm nào… Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là vẫn còn không ít cha mẹ học sinh do điều kiện công việc thường phải đi làm sớm, thường mua thức ăn sáng tại các quán ven đường cho con mang vào trường, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất lớn, Nhà trường rất khó kiểm soát được vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, các trường học trên địa bàn TP Hà Nội có tổ chức ăn bán trú phải tiến hành rà soát hồ sơ năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm soát nguồn thực phẩm chế biến bữa ăn học đường cho các em học sinh bảo đảm nguồn gốc, chất lượng và giàu chất dinh dưỡng. Thực hiện tốt việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực ba bước theo quy định, việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn thực phẩm khi cần thiết. Nhà trường phối hợp hội cha mẹ học sinh, ban giám sát ATTP, công đoàn, cán bộ y tế học đường… thường xuyên kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh tại bếp ăn bán trú nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Hiệu trưởng Trường THCS Dương Nội (quận Hà Đông) Trần Thị Kim Oanh đề nghị chính quyền địa phương, ngành y tế tiếp tục hỗ trợ các trường đóng trên địa bàn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bếp ăn bán trú; tập huấn kiến thức về ATTP cho đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, nhất là ngành y tế, tăng cường hỗ trợ nhà trường trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và các khâu, quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục theo quy định; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực ATTP theo quy định và thông báo kịp thời cho nhà trường và người dân được biết.

Bài và ảnh: THÚY QUỲNH, TRUNG TUYẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-trong-truong-hoc-619280/