Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Một trong những đổi mới quan trọng của luật chính là bổ sung những quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm khắc phục kẽ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.
Bài 1: “Kẽ hở” trong quản lý, kiểm soát
Lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý và kiểm soát của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, thời gian vừa qua, không ít đối tượng phạm tội đã tổ chức thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy.
Gần 1.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiền chất
Thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, những năm gần đây, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra sôi động. Nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh và y tế gia tăng.
Hiện nay, cả nước có gần 1.000 doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp và y tế, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh... Đây đều là những tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp hoặc khu chế xuất.
“Công xưởng” sản xuất ma túy bị lực lượng Công an triệt phá tại thị trấn Ðắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất y tế tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng qua các cửa khẩu đường hàng không sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Quốc tế Nội Bài và đường biển, chủ yếu là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất như Codeine phosphate, Diazepam Hameln, Codeine Base, Ephedrine, Pseudoephedrine... Đối với tiền chất công nghiệp, ngoài một số ít tiền chất Việt Nam tự sản xuất được như H2SO4, HCl, Toluene, các loại tiền chất chủ yếu được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các khu chế xuất và khu công nghiệp. Nguồn nhập khẩu nhiều nhất từ các quốc gia như Đài Loan (Trung Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp, Ấn Độ...
Các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu tiền chất thường là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có kinh nghiệm nhiều năm tham gia kinh doanh tiền chất, đã được các cơ quan chức năng thẩm định thường xuyên và có đầy đủ tư cách pháp nhân hoạt động hợp pháp. Bên cạnh đó các đơn vị có hoạt động hợp pháp liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất ngày càng phổ biến và mở rộng thị trường trên tất cả các địa phương trong nước.
Trước tình hình thực tế các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế; các đơn vị chức năng đã phối hợp đề xuất Chính phủ nhiều vấn đề cơ bản, chiến lược trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tham mưu, đề xuất và báo cáo lãnh đạo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, lãnh đạo Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan nhằm đôn đốc, kiểm tra và đánh giá công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở Việt Nam; cấp phép, theo dõi, trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy giữa các Bộ chức năng, với các nước liên quan và với Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB); thường xuyên trao đổi thông tin quốc tế qua hệ thống trực tuyến IONICS và PICS về các chất ma túy và tiền chất, trao đổi, xử lý thông tin bằng kênh thông báo tiền xuất khẩu trực tuyến Penonline của INCB; tổng hợp, thống kê và báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trong phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về sản xuất, kinh doanh, không ít các đối tượng phạm tội lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy.
Triệt phá nhiều đường dây sản xuất ma túy trái phép
Thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, qua công tác phối hợp kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện 60 vụ vi phạm hành chính về tiền chất, phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả nộp lại số tiền lên tới trên 10 tỉ đồng; phát hiện, bắt giữ 67,686kg tiền chất (Ephedrine, Pseudoephedrine), 9.842 hộp tân dược chứa hoạt chất gây nghiện. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, từ năm 2008 đến nay, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan đã phát hiện và bắt giữ 39 vụ việc với 133 đối tượng sản xuất trái phép ma túy tổng hợp.
Trong đó, điển hình là ngày 12/11/2020, Công an tỉnh Lạng Sơn và Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung Quốc triệt phá thành công chuyên án đối tượng người Trung Quốc lợi dụng hoạt động vận tải logistic vận chuyển trái phép tiền chất sử dụng vào việc sản xuất trái phép heroine, thu giữ 7,5 tấn tiền chất Acetic Anhydride (tiền chất thuộc danh mục IVA Nghị định số 73/2018/NĐ-CP). Đồng thời, trên cơ sở kết quả chuyên án, Công an khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã bắt giữ, xử lý 14 đối tượng, thu giữ 23,5 tấn tiền chất Acetic Anhydride...
Vào tháng 8/2019, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc đã triệt phá một đường dây sản xuất trái phép chất ma túy, có xưởng sản xuất đặt tại Công ty TNHH xuất, nhập khẩu Ðồng An Viên, thị trấn Ðắk Hà, tỉnh Kon Tum và tại Bình Định. Đây giống như “đại công xưởng” sản xuất ma túy do các đối tượng là người Trung Quốc chủ mưu cầm đầu với đầy đủ máy móc, trang thiết bị, dụng cụ. Tổng cộng lượng ma túy, tiền chất, hóa chất dùng để sản xuất ma túy tổng hợp thu được của đường dây này tại các điểm lên tới gần 60 tấn và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy.
Trong đó, số tiền chất, hóa chất được sử dụng trong đường dây sản xuất trái phép chất ma túy gồm: P2P, Propiophenone, Benzyl cyanide,H2SO4, Tartaric acid, Acetone, Toluence, Methanol, HgCl2, 3-oxo-2-phenylbutanamide, Ethyl Acetate, Methylamine, HCl, Sodium hydroxid... Đây là vụ việc gây chấn động dư luận bởi nếu không bị phát hiện và triệt phá thì với số lượng tiền chất, hóa chất này, các đối tượng có thể sản xuất hàng chục tấn ma túy tổng hợp.
Theo Thượng tá Dương Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, trước khi Luật Phòng chống ma túy 2021 được ban hành, công tác kiểm soát tiền chất công nghiệp còn một số hạn chế, việc kiểm soát các hoạt động mua bán tiền chất công nghiệp trong nội địa đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn. Chúng ta mới chỉ kiểm soát ở khâu xuất, nhập khẩu, chưa chú ý kiểm soát hoạt động sản xuất, bảo quản, tồn trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng. Còn tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu xin cấp phép nhiều nhưng số lượng thực nhập lại ít, gây ra số liệu ảo và khó khăn cho đơn vị quản lý. Nhiều doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin về tiền chất khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa có báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ... gây khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm soát và quản lý.
Các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng, mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác; các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó việc kiểm soát đến khâu cuối cùng còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa được chú trọng, dẫn đến việc nhận thức của các doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa đầy đủ về các quy định về an toàn hóa chất, về công tác kiểm soát của các đơn vị chức năng cũng như quy định của Chính phủ về công tác này.