Kiểm soát các nguy cơ tai nạn trên sông nước
Hiện nay đang là giai đoạn các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời cũng là dịp các lễ hội đầu xuân năm 2025 diễn ra. Do đó, lượng phương tiện di chuyển trên các tuyến đường thủy tăng dần, nhiều hoạt động du lịch, lễ hội trên sông nước cũng diễn ra.

Phà Bà Miêu hoạt động trên sông Đồng Nai nối tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương đông đúc khách qua lại. Ảnh: M.Thành
Do đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo hạn chế nguy cơ tai nạn, sự cố trên sông nước.
Gia tăng hành khách đi lại trên sông
Sông Đồng Nai chảy qua địa phận Đồng Nai có chiều dài 220km (trên tổng số 2,3 ngàn km của 13 con sông, kênh rạch toàn tỉnh). Trên tuyến sông này hiện có nhiều phương tiện thủy hoạt động chuyên chở hàng hóa, hành khách. Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân tăng cao, trong đó có vận tải trên hệ thống sông qua Đồng Nai. Đặc biệt, sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kết thúc, phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa, hành khách đã tăng cường hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, đi lại của người dân.
Theo Ban ATGT tỉnh, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025 (từ ngày 25-1 đến ngày 2-2), lực lượng cảnh sát đường thủy đã tập trung lực lượng, phương tiện phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATGT đường thủy nội địa, nhất là kiểm tra các điều kiện an toàn tại các bến khách ngang sông, phương tiện chở khách, phương tiện phục vụ vui chơi giải trí ở các khu du lịch, lễ hội; tổ chức tuần tra ở tuyến sông trọng điểm nơi có mật độ phương tiện lưu thông cao.
Chủ Bến đò Xưa (thành phố Biên Hòa) Trần Văn Phước cho hay, trong thời điểm tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao giữa bờ tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu năm 2025, bến đã rà soát và yêu cầu các nhân viên phải tuân thủ quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy, chấp hành nghiêm quy định về các giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp, điều kiện sức khỏe… để đảm bảo quá trình hoạt động an toàn.
Hiện có hơn 20 bến khách ngang sông, trong đó có nhiều bến đóng vai trò quan trọng kết nối tỉnh Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Điển hình như: phà Cát Lái (huyện Nhơn Trạch) với khoảng 48 ngàn lượt khách/ngày; phà Bà Miêu (huyện Vĩnh Cửu) với khoảng 500 lượt khách/ngày… Ngoài ra, trên tuyến sông Đồng Nai chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương cũng là luồng di chuyển chính của các tàu, sà lan chở hàng hóa ra vào các cảng, bến mỗi ngày.
Do đó, nguy cơ TNGT luôn tiềm ẩn giữa các phương tiện chở khách ngang sông, các phương tiện chở hàng hóa dọc sông với các phương tiện nhỏ của người dân (ghe, xuồng). Theo UBND tỉnh, trong năm 2024, trên toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, làm 1 người chết; so với cùng kỳ năm 2023, cả số vụ, số người chết không tăng, không giảm. Gần đây nhất, khuya 22-11-2024, sà lan số hiệu SG-9496 va chạm với ghe đánh cá đang neo đậu trên sông Đồng Nai (thành phố Biên Hòa) làm ông Đ.V.T. (ngụ thành phố Biên Hòa) rơi xuống sông tử vong.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát ngay từ đầu năm
Trước các nguy cơ TNGT hiện hữu trên, ngay từ cuối năm 2024, trong Kế hoạch Bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi trên tuyến giao thông đường thủy.
Do đó, ngay từ đầu năm 2025, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã yêu cầu 3 đội, trạm cảnh sát đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các chuyên đề vi phạm trên tuyến giao thông đường thủy nội địa. Đặc biệt tập trung kiểm soát vào các hành vi như: phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; vi phạm quy định về mặc áo phao; phương tiện không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; chở quá vạch dấu mớn nước an toàn...
Phó đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh), trung tá Nguyễn Văn Thế khuyến cáo, người tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa phải tuyệt đối chấp hành các quy định về giao thông đường thủy, nhất là việc chở hàng đúng vạch, di chuyển đúng luồng, neo đậu đúng vị trí quy định.
Ngoài ra, từ đầu tháng 1-2025, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các địa phương có tuyến đường thủy đã phối hợp với các đơn vị quản lý tuyến đường thủy kiểm tra, điều tiết, có phương án bảo đảm an toàn luồng, tuyến chạy tàu… Đồng thời, cơ quan chức năng cũng rà soát, bổ sung, thay thế phao tiêu, biển báo hiệu phù hợp với bến, luồng chạy tàu. Đặc biệt là kiểm tra bảo đảm an toàn bến khách ngang sông, bến tàu khách du lịch, các tuyến, luồng đường thủy, nhất là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, cù lao, các tuyến sông và vùng nước có tổ chức lễ hội.
Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 5 (Thanh tra giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải) - phụ trách huyện Vĩnh Cửu Lê Cao Trí cho hay, thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương kiểm tra điều kiện an toàn của các phà chở khách ngang sông. Đặc biệt là chủ động yêu cầu các chủ bến, người vận hành phà chấp hành quy định giao thông đường thủy nội địa trong quá trình vận chuyển hành khách hoặc tạm ngưng di chuyển trên sông khi thời tiết có diễn biến bất thường để đảm bảo an toàn.