Kiểm soát chặt chi phí sản xuất, tiết giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước theo đúng quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Chiều 14-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 25, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Việc biên soạn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập
Thay mặt Đoàn giám sát trình bày báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Do đó, việc thực hiện bước đầu mang lại chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, quy định về môn học Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đạt hiệu quả cao, nhất là vùng có điều kiện khó khăn. Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới…
Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, việc biên soạn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua sách giáo khoa ngoài thị trường gặp khó. Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách cũ. Số đầu sách tăng; chi phí phát hành cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua.
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp cho 7 vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; nhóm giải pháp về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa; việc in, phát hành, cung ứng sách khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa.
Cần thiết hay không một bộ sách giáo khoa của nhà nước?
Thay mặt cơ quan chịu sự giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có chiều sâu toàn diện và triệt để nhất so với lần đổi mới trước đây; khác về tư tưởng chỉ đạo, nhằm phát triển toàn diện con người. Bộ trưởng cũng kiến nghị có nghị quyết riêng về đổi mới giáo dục và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các phương án về tăng cường điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đội ngũ giáo viên sống bằng nghề…
Về vấn đề biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách, đến năm 2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện cụ thể trong sách giáo khoa. “Nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giữ vai trò phê duyệt thì trách nhiệm xây dựng, phát triển nội dung có thực hiện được hay không với cách biên soạn như hiện nay. Đoàn giám sát chỉ kiến nghị Quốc hội thảo luận, xem xét vai trò của nhà nước trong việc xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông… Nếu chúng ta nắm được nội dung, có bản quyền của một bộ sách thì sẽ rất thuận lợi để làm nhiều việc khác”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chỉ rõ, Nghị quyết số 88/2014/QH13 giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác. Như vậy khuyến nghị của Đoàn giám sát đưa ra là trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn; đồng thời, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay.
Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13
Phát biểu tại phiên giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là lần đầu tiên phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phát thanh, truyền hình trực tiếp bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng, được nhân dân quan tâm.
Cơ bản thống nhất với báo cáo của Đoàn giám sát và các ý kiến phát biểu tại phiên họp, đồng thời khẳng định việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội cơ bản đúng hướng, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện chương trình mới; tiếp tục hoàn thiện các nội dung của chương trình; tăng cường tuyên truyền, vận động truyền thông để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với đề nghị xem xét thanh tra toàn diện việc biên soạn, thẩm định, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa… đồng thời sớm ban hành phương pháp định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá sách giáo khoa theo yêu cầu của Luật Giá (sửa đổi)…
“Về việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước, tôi đề nghị cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13. Trong quá trình thực hiện Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy cần phải điều chỉnh lại Nghị quyết thì phải trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quán triệt sâu sắc quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án lớn đã được phê duyệt, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và xem xét hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương mà chưa cân đối được ngân sách.
Tại phiên họp, 18/18 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết cơ bản nhất trí nội dung của dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để ban hành Nghị quyết.