Kiểm soát chặt để hạn chế nội dung xấu độc

Để kết thúc vệt bài TikTok và những cuộc 'xâm lấn', chúng tôi đã ghi nhận ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước, nhà giáo dục, người sáng tạo nội dung… xung quanh việc làm thế nào để giảm thiểu những nguy hại mà các sản phẩm từ TikTok đem lại.

Những cuộc gặp gỡ, trải nghiệm trực tiếp giúp bạn trẻ có nhiều kinh nghiệm sống hơn là ở trên mạng

Những cuộc gặp gỡ, trải nghiệm trực tiếp giúp bạn trẻ có nhiều kinh nghiệm sống hơn là ở trên mạng

Ông LÊ QUANG TỰ DO, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT: Các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Thời gian qua, Bộ TT-TT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, YouTube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm; đồng thời phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Tuy nhiên, các nền tảng mạng xã hội như TikTok sử dụng thuật toán đã “lách” để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm, khiến công tác xử lý vi phạm gặp khó khăn. Với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, nếu các mạng xã hội đối phó, không hợp tác chủ động chặn lọc triệt để thì việc chặn gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả.

Bộ TT-TT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Cụ thể, sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam; phối hợp với các bộ ngành liên quan đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của Tiktok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét; xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh…

TS NGUYỄN VĂN TƯỜNG, Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM: Giáo dục kỹ năng tương tác với mạng xã hội

Mạng xã hội nào cũng có 2 mặt tốt và xấu, không riêng gì TikTok. Hạn chế mặt tiêu cực luôn là công việc thường xuyên của cấp quản lý, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến các nền tảng trực tuyến. Trong đó, chú trọng nhấn mạnh độ tuổi được phép tiếp cận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội.

Ngoài việc các cơ quan quản lý ngành truyền thông có những cơ chế, chính sách giám sát và xử lý chặt chẽ, việc chủ động cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp khi sử dụng mạng xã hội cho các bạn trẻ cũng là điều quan trọng. Song hành với chính sách pháp luật, cần có những chương trình giáo dục kỹ năng tương tác với mạng xã hội. Giáo dục, trang bị cho thế hệ trẻ các kỹ năng tiếp nhận, phân tích và thẩm định thông tin khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội, tốt nhất là giảng dạy, trang bị từ bậc phổ thông trở đi.

Và quan trọng nhất vẫn là tự bản thân mỗi người dùng mạng xã hội, phải tỉnh táo và có kỹ năng phân loại thông tin. Người dùng luôn có quyền từ chối tiếp nhận hoặc báo cáo các nội dung độc hại cho hệ thống quản lý nền tảng mạng xã hội biết và can thiệp.

Ông VŨ NGỌC SƠN, Chuyên gia an ninh mạng, Công ty CP Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS): Phải kiểm soát TikTok

Việc các nền tảng trực tuyến vi phạm pháp luật của nước sở tại, sau đó bắt buộc phải điều chỉnh để cung cấp dịch vụ, thậm chí bị cấm không phải là mới trên thế giới. Đây cũng là một hình thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tôi ủng hộ việc kiểm soát TikTok vì nền tảng này đang phát sinh nhiều nội dung xấu độc, phản cảm hoặc tin giả có thể gây hại cho người dùng nếu không sớm kiểm soát kịp thời.

Về phía nhà cung cấp dịch vụ, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện và ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Ở đây, có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hình ảnh, âm thanh, tiêu đề, bình luận, từ đó phát hiện nội dung cần loại bỏ. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, có thể ứng dụng công nghệ để hậu kiểm, phát hiện các clip có nội dung độc hại, có nhiều lượt xem để báo cho nhà cung cấp dịch vụ xử lý. Về phía người dùng, đặc biệt là giới trẻ, cần nhận thức về nguy cơ gây nghiện của các nền tảng này, cần có khung giờ phù hợp, thời lượng hợp lý để xem, giải trí trên TikTok. Tốt nhất cần đặt các cấu hình thời gian sử dụng, tránh xem quá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến mức độ tập trung với các hoạt động khác trong cuộc sống, đặc biệt là tránh ảnh hưởng đến học tập, làm việc.

Anh TRẦN VIỆT DƯƠNG, Chủ kênh TikTok @duonggiaothong: Người lập kênh phải hướng đến nội dung tốt

Ngay từ khi lập kênh TikTok, tôi đã xác định kênh của mình phải hướng đến các nội dung sạch, tích cực và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Trong quá trình xây dựng nội dung kênh, tôi cũng theo dõi nhiều kênh khác nhau có nội dung vui tươi, lành mạnh để học hỏi và lấy đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân. Thực tế, dù đã nghiên cứu kỹ các nguyên tắc về tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok, song tôi không tránh khỏi một số video bị cảnh báo. Từ những trường hợp đó, tôi cố gắng tránh sử dụng các bản nhạc vi phạm bản quyền hay có hành động có thể gây nguy hiểm khi tham gia giao thông như quay phim khi đi xe, không đội nón bảo hiểm ngay cả khi đi xe đạp…

Theo tôi, điều quan trọng nhất là người xây kênh cần có cái tâm hướng đến những nội dung tốt và để duy trì điều này, rất cần sự ủng hộ của người theo dõi. Tất nhiên, những người làm nội dung sạch, đôi khi sẽ cảm thấy thiệt thòi vì không thu hút nhiều lượt người xem, theo dõi. Nhưng tôi tin, điều đó chỉ là phần nhỏ bởi nhiều người làm kênh TikTok không đặt nặng vấn đề lợi ích, họ luôn sẵn lòng chia sẻ nội dung sạch.

Ca sĩ ĐOAN TRƯỜNG: Tách nghệ sĩ ra để TikTok hết đường kiếm chác

Bản thân nghệ sĩ phải tự biết cách bảo vệ mình và gia đình trước các Tiktoker, YouTuber hay Streamer. Tôi nghĩ, nghệ sĩ cần tự “che chắn” hình ảnh khi xuất hiện tại những đám tang, đám cưới. Không dừng lại tiếp xúc trao đổi, trả lời phỏng vấn các Tiktoker, YouTuber nơi công cộng. Không xem những kênh nhảm nhí, không bị các tít giật gân hay hình ảnh bìa sốc mà bị lừa bấm vào xem vừa mất thời gian, vừa hoang mang vì những thông tin giả.

Chỉ cần mọi người đồng lòng hạn chế và ý thức thì các kênh này sẽ không bao giờ đạt đủ lượt xem và không có tiền. Ngoài ra, cũng không nên ùa theo phát tán, truyền bá, không nhấn nút theo dõi, like, share các kênh này. Những người tổ chức, điều hành nơi tổ chức đám tang, đám cưới, khai trương, từ thiện... cần có kế hoạch chu đáo, bố trí và ngăn chặn để hạn chế tầm hoạt động, tác nghiệp của Tiktoker, YouTuber. Chỉ cần tách nghệ sĩ ra là các Tiktoker, YouTuber hết đường kiếm chác.

T.LƯU - V.TUẤN - K.LOAN - T.TÂN ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kiem-soat-chat-de-han-che-noi-dung-xau-doc-post685862.html