Kiểm soát chặt trình độ ngoại ngữ ứng viên PGS, GS

Hội đồng Giáo sư (GS) nhà nước vừa yêu cầu các hội đồng GS cơ sở, hội đồng GS ngành/liên ngành phải thành lập hội đồng kiểm soát chặt trình độ ngoại ngữ của các ứng viên GS, phó giáo sư (PGS) năm 2020.

Việc thành lập tổ thẩm định năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh này được thực hiện theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg. Cụ thể, hội đồng GS cơ sở phối hợp với cơ sở giáo dục ĐH tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh của ứng viên.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 23-8, GS-TS Ngô Thế Chi, thành viên Hội đồng Chức danh GS cơ sở Học viện Tài chính năm 2020, nguyên Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng với quy định này, việc xét công nhận danh hiệu của các ứng viên GS, PGS sẽ công bằng, khách quan hơn. "Quy định phải lập tổ thẩm định năng lực ngoại ngữ của ứng viên là điểm mới của năm nay. Những năm trước, các thành viên trong hội đồng GS cơ sở vốn đều là những người biết ngoại ngữ, tự thực hiện, năm nay mới chính thức ra quyết định thành lập" - GS-TS Ngô Thế Chi nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp Hội đồng GS Nhà nước

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp Hội đồng GS Nhà nước

GS-TS Đinh Văn Sơn, Ủy viên Hội đồng GS ngành Kinh tế (Hội đồng GS nhà nước), khẳng định việc thẩm định trình độ ngoại ngữ của các ứng viên GS, PGS hiện không căn cứ hồ sơ đẹp. Các ứng viên học thạc sĩ, nghiên cứu sinh ở nước ngoài vẫn phải thông qua hội đồng thẩm định ngoại ngữ. "Phải kiểm soát chặt chẽ trình độ ngoại ngữ của các ứng viên theo tinh thần kiên quyết không để ứng viên được công nhận GS, PGS mà trình độ ngoại ngữ lại bập bõm" - GS-TS Đinh Văn Sơn khẳng định.

Theo quy định mới, việc thẩm định năng lực ngoại ngữ của ứng viên sẽ được thực hiện bằng cách ứng viên trình bày báo cáo tổng quan (thường là bằng tiếng Anh) trước hội đồng. Nhiệm vụ của tổ thẩm định là phỏng vấn ứng viên bằng ngoại ngữ chuyên môn, kết hợp với tiếng Anh, qua đó đánh giá năng lực ngoại ngữ của người này.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Đình Đức, Ủy viên Hội đồng GS ngành Cơ học (Hội đồng GS nhà nước), cho biết để kiểm soát trình độ ngoại ngữ ứng viên, hội đồng cấp cơ sở sẽ thành lập tổ thẩm định ngoại ngữ là các giáo viên, chuyên gia ngoại ngữ am hiểu chuyên môn ngành cơ học. "Sau đó, chúng tôi xem ứng viên đăng ký trình độ chuyên môn là ngoại ngữ gì thì tổ thẩm định ngoại ngữ thẩm định trình độ ở loại ngoại ngữ đó" - GS-TS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Đình Đức, việc thẩm định ngoại ngữ của các ứng viên GS, PGS chính là kiểm tra trình độ chuyên môn của ứng viên này bằng phỏng vấn trực tiếp thông qua nội dung báo cáo tổng quan về chuyên ngành mà ứng viên sẽ trình bày bằng ngoại ngữ đã đăng ký và đa số là trình bày bằng tiếng Anh.

Tất cả các ứng viên đều được hội đồng đặt câu hỏi sau phần trình bày báo cáo tổng quan, sau đó tổ thẩm định sẽ chấm điểm và công bố kết quả thẩm định.

"Quan điểm của Hội đồng GS ngành Cơ học là quá trình đánh giá năng lực ngoại ngữ của ứng viên phải rất khách quan. Cá nhân tôi thấy cách đánh giá điểm ngoại ngữ của ứng viên thông qua hội đồng thẩm định ngoại ngữ là công bằng, chặt chẽ" - GS-TS Đức nói.

GS-TS Nguyễn Đình Đức cho rằng thông qua việc thẩm định trình độ tiếng Anh của ứng viên các năm thì đa phần ứng viên trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài có trình độ ngoại ngữ tốt hơn, ứng viên học trong nước khó khăn hơn. "Với ứng viên trong nước thì kỹ năng viết có thể rất tốt nhưng kỹ năng nghe nói ngoại ngữ có phần hạn chế" - ông Nguyễn Đình Đức thông tin.

Quang Mạnh - Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/kiem-soat-chat-trinh-do-ngoai-ngu-ung-vien-pgs-gs-20200823215944382.htm