Kiểm soát dịch bệnh thời điểm giao mùa

Thời điểm giao mùa xuân - hè năm nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ngành y tế đã triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng, phòng, chống dịch.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hệ thống giám sát dịch đã ghi nhận 375 ca thủy đậu trên địa bàn 6 huyện, thành phố, trong đó có 348 ca đã điều trị khỏi. Tại một số trường học trên địa bàn thành phố Lào Cai như Tiểu học Lê Văn Tám, Tiểu học Thống Nhất, Mầm non Hoa Hồng đã ghi nhận 75 ca mắc thủy đậu. Ngay khi có thông tin về các ca mắc, Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai đã khẩn trương hướng dẫn nhà trường tuyên truyền cho học sinh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy đậu và khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu. Các trường học tiến hành vệ sinh lớp học; bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại cửa lớp học, hướng dẫn học sinh sát khuẩn tay trước khi vào lớp học và sau khi tan học; theo dõi, giám sát chặt tình hình sức khỏe của học sinh và kịp thời phát hiện các ca bệnh mới phát sinh. Những học sinh mắc bệnh được nhà trường cho nghỉ học để khám, điều trị và thực hiện biện pháp cách ly.

Các nhà trường đẩy mạnh biện pháp phòng dịch cho học sinh.

Các nhà trường đẩy mạnh biện pháp phòng dịch cho học sinh.

Xã Nậm Mòn (Bắc Hà) ghi nhận 42 ca mắc thủy đậu ở các thôn: Bản Ngồ Thượng, Cồ Dề Chải, Bản Ngồ Hạ và Sử Chù Chải. Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Nậm Mòn chỉ đạo Trạm Y tế xã, ban giám hiệu các nhà trường và các thôn có ca bệnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà trực tiếp xuống cơ sở, kết hợp với Trạm Y tế xã và trường học tổ chức điều tra dịch tễ, xác minh tình hình dịch bệnh, lập danh sách ca mắc, hướng dẫn người dân cách ly, điều trị các ca bệnh. Để ngăn nguồn bệnh, toàn bộ trường mầm non, tiểu học và các phân hiệu có ca mắc bệnh thủy đậu được phun khử khuẩn. Bên cạnh đó, dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang được cấp phát kịp thời cho các trường có ca bệnh. Trạm Y tế xã Nậm Mòn đã tổ chức truyền thông trực tiếp cho bà con, giáo viên, học sinh cách nhận biết và phòng tránh dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Theo phương châm phòng dịch tại chỗ, tình hình dịch bệnh thủy đậu cũng như cúm A tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát.

Ông Phạm Văn Chiến, Phó Trưởng Phòng Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các vi-rút cúm mùa gây nên. Vi-rút cúm A thường lây lan trên động vật như gà, chim, động vật có vú và có thể nhanh chóng lây lan sang người. Cúm A thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự, tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch. Vắc-xin phòng cúm hiện chỉ có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ nên để phòng bệnh, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Cán bộ y tế lấy mẫu thực hiện test cúm A cho bệnh nhi.

Cán bộ y tế lấy mẫu thực hiện test cúm A cho bệnh nhi.

Công tác giám sát thường xuyên có vai trò quyết định trong việc phát hiện sớm để phòng, chống dịch cúm A. Một số dấu hiệu nghi mắc cúm A, đó là sốt (thường trên 38 độ C), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở… cần cách ly, khoanh vùng, xử lý sớm ổ dịch, khống chế không để lây lan. “Đối với ca bệnh cần thường xuyên nắm diễn biến tình hình sức khỏe, khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng hoặc có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng... hoặc dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo, như bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời” - ông Chiến nói.

Không chỉ có bệnh thủy đậu, cúm A, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh hiện có hơn 60 bệnh nhi điều trị, mỗi trẻ mắc các bệnh khác nhau như cúm, tiêu chảy, sốt vi rút, tay - chân - miệng... Bác sỹ Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: Thời điểm giao mùa, do sức đề kháng của trẻ yếu nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Người dân cần giữ vệ sinh tốt, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn, sử dụng nước, nguyên liệu và quá trình chế biến thực phẩm đảm bảo.

Chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khỏe, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh, bên cạnh đó là vấn đề dinh dưỡng, có lối sống lành mạnh để xây dựng hệ miễn dịch, đề kháng tốt trước các tác nhân gây bệnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/366271-kiem-soat-dich-benh-thoi-diem-giao-mua