Kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính ngành xây dựng

Ngành xây dựng đang phải đối mặt với áp lực giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết mục tiêu NetZero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu giảm phát thải, ngành cần tập trung vào kiểm soát, phải giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng, vận hành tòa nhà và phát triển các công trình xanh…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Theo danh mục này, có 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024, trong đó có 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng.

XÁC ĐỊNH LỘ TRÌNH, GIẢI PHÁP ƯU TIÊN, PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH XANH

Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho rằng Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg là một bước tiến quan trọng trong kiểm soát và giảm thiểu phát thải từ ngành Xây dựng; thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải, đồng thời khuyến khích các tổ chức phát triển công trình xanh để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đúng theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Thực hiện cam kết trong việc giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã có Nghị định 06/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon, trong đó có mức giảm phát thải cụ thể cho ngành xây dựng.

Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/05/2022, phê duyệt "Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 2050", đóng góp vào mục tiêu chung của Việt Nam thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.

Từ hai nguồn phát thải chính trong công trình xây dựng, ông Phương đề xuất lộ trình trước mắt cần tập trung giảm phát thải carbon trong quá trình vận hành công trình (phát thải trong quá trình sử dụng điện, thiết bị làm mát). Giai đoạn 2030 sẽ tập trung giảm carbon hàm chứa (trong xây dựng, bảo trì, vận hành tòa nhà). Việc giảm carbon hàm chứa trong vật liệu mặc dù rất mới với Việt Nam nhưng tiềm năng lớn.

Chia sẻ về giảm phát thải khí nhà kính trong công trình xây dựng và việc lựa chọn chiến lược, giải pháp phù hợp với Việt Nam, tại hổi thảo về vấn đề này vừa diễn ra, ông Trần Phương, Trưởng phòng Công trình xanh và Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm kết cấu thép và xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành xây dựng từ nay đến năm 2030 là xây dựng chiến lược giảm khí nhà kính trong công trình xây dựng để đáp ứng mục tiêu thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.

Trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 27% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và 43,5% nếu có nguồn hỗ trợ đóng góp của cộng đồng quốc tế.

Theo NDC và Nghị định 06, mục tiêu ngành xây dựng phải giảm tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 tương đương trong 3 lĩnh vực chính: Quá trình công nghiệp; Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng và Vận hành tòa nhà.

Thống kê trong giai đoạn 2014- 2020, lượng phát thải từ sản xuất vật liệu xây dựng đã gia tăng từ 60,33 triệu tấn lên 95,95 triệu tấn, trong khi lượng phát thải từ tiêu thụ điện trong tòa nhà cũng tăng mạnh từ 38,01 triệu tấn lên 61,72 triệu tấn. Điều này đặt ra áp lực lớn cho ngành trong triển khai các giải pháp giảm phát thải hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu này, ngành xây dựng cần phải giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình công nghiệp, tiêu thụ năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng) và năng lượng trong vận hành các tòa nhà. Ngành cần xây dựng một lộ trình, đánh giá xác định tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính và các giải pháp, kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo.

Cụ thể, trong ngành xi măng sẽ sử dụng một số nguyên liệu thay thế như xỉ lò cao. Còn với công trình xây dựng sẽ sử dụng điều hòa, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao…

Theo Viện Khoa học công nghệ xây dựng, thực hiện các mục tiêu giảm khí nhà kính trong ngành cần phải tập trung ban hành các quy trình, quy định kỹ thuật làm cơ sở thực hiện các biện pháp; ban hành các hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, công trình xây dựng thực hiện các biện pháp giảm nhẹ.

Dự kiến trong thời gian tới, ngành xây dựng sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm kê khí nhà kính. Đây là những biện pháp quan trọng để áp dụng các biện pháp kiểm soát lượng khí thải trong các công trình xây dựng.

Trong chiến lược giảm khí nhà kính trong các công trình xây dựng xác định phát triển công trình xanh là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên bởi đây là yếu tố đóng góp lớn trong giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng vật liệu xanh, vật liệu thân thiện… Một trong những nhiệm vụ chính phát triển công trình xanh cần phải xây dựng định mức phát thải, hệ số phát thải công trình.

Các chuyên gia nhấn mạnh, phát triển công trình xanh là giải pháp trọng tâm, hướng đến việc thiết kế và xây dựng các công trình tiêu thụ ít năng lượng và tài nguyên, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các công trình xây dựng cần được thiết kế và vận hành để có khả năng chống chịu và thích ứng với những thay đổi của khí hậu. Dự kiến đến năm 2025, khoảng 10% các tòa nhà văn phòng sẽ đạt tiêu chuẩn xanh.

KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH, KIỂM SOÁT PHÁT THẢI

Triển khai thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định và xây dựng báo cáo giảm nhẹ phát thải, Bộ đã xây dựng dự thảo Thông tư liên quan, lấy ý kiến các địa phương.

Theo các chuyên gia, việc kiểm kê khí nhà kính đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các giải pháp kiểm kê khí nhà kính một cách phù hợp, nhất quán và minh bạch, chính xác. Điều này sẽ giúp theo dõi quá trình áp dụng các biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính và áp dụng các biện pháp hiệu quả.

Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng và vận hành thị trường carbon vào năm 2028. Để ngành xây dựng có thể tham gia vào thị trường này đòi hỏi phải có các giải pháp minh bạch trong kiểm toán, báo cáo lượng phát thải.

Theo các chuyên gia, khi sàn giao dịch carbon vận hành và phát triển sẽ mang lại nhiều cơ hội để giảm phát thải carbon, khơi thông các nguồn tài chính đầu tư công nghệ để giảm khí nhà kính trong các công trình xây dựng.

Chia sẻ các giải pháp quản lý và kiểm kê khí nhà kính tự động cho công trình xây dựng, ông Shigeru Tamura, Trưởng phòng cấp cao Phát triển giải pháp số Toshiba Software Việt Nam nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là mục tiêu NetZero vào năm 2050.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Nhật Bản đã có những hành động quyết liệt như thiết lập hệ thống thuế với những doanh nghiệp trong công nghệp phát thải CO2…

Theo ông Shigeru Tamura, để giảm phát thải khí nhà kính cần phải kiểm soát, đo đạc được lượng phát thải ra môi trường. Nhật Bản đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng về việc báo cáo lượng phát thải CO2 từ các nhà máy, công trình với Chính phủ. Nhật Bản cũng có các hướng dẫn nhà máy, doanh nghiệp, công trình xây dựng để tính toán lượng CO2 thải ra.

Đưa ra các bước giảm phát thải, ông Shigeru Tamura cho hay, trước hết phải triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiếp đó phải sử dụng năng lượng tái tạo và giảm khí thải CO2 trong các đơn vị.

"Muốn tiết kiệm năng lượng cần phải đánh giá được quy trình sản xuất, hoạt động của nhà máy và thay thế bằng các cơ sở hoạt động tiết kiệm năng lượng hơn. Để giảm tổn thất năng lượng, phát thải thải khí nhà kính, các nhà máy, công trình phải đo đếm được số năng lượng bị thất thoát. Khâu quan trọng nhất trong giảm thất thoát năng lượng, giảm phát thải CO2 chính là giám sát dữ liệu phát thải, dữ liệu vận hành nhà máy, công trình", chuyên gia này nói.

Những giải pháp này tập trung vào việc ứng dụng công nghệ số hóa để giám sát và quản lý lượng phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và liên tục, giúp cải thiện việc báo cáo và tuân thủ các quy định về môi trường.

Chia sẻ thêm về giải pháp Digital Twins cho các công trình xây dựng, ông Rohan Rawte, Giám đốc điều hành IESVE Singapore, cho biết công nghệ này sẽ giúp cải thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, góp phần giảm phát thải carbon trong môi trường xây dựng; cho phép các bên liên quan phân tích dữ liệu chính xác về sử dụng năng lượng, tối ưu hóa hiệu suất vận hành và đề xuất các cải tiến giảm phát thải khí nhà kính.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kiem-soat-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-nganh-xay-dung.htm