Kiểm soát hiệu quả tài sản của cán bộ có chức, quyền

Trong bài viết mở đầu cuốn sách 'Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh', với tựa đề 'Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát một số vấn đề có tính lý luận và thực tiễn về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Nhấn mạnh một số giải pháp, Tổng Bí thư yêu cầu phải có những bước tiến mới, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực.

Thực tế công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng gần đây đã chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc cần khắc phục, điều chỉnh trong kiểm soát tài sản của cán bộ có chức, quyền. Ngay trong ngày làm việc thứ nhất Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật đối với 3 đồng chí Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương.

Trong đó, cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre do đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vi phạm của đồng chí mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.

Từ một số vụ án kinh tế, tham nhũng đã xét xử trước đó đặt ra vấn đề, cần mở rộng diện kiểm soát tài sản, thu nhập của cả người thân cán bộ có chức, quyền; làm rõ nguồn tài sản bất minh đến từ đâu và đi về đâu.

Trong khi cơ chế quản lý tài sản ở nước ta hiện nay còn thiếu chặt chẽ, thiếu minh bạch, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt cho nên rất khó kiểm soát được thu nhập, tài sản. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hầu hết các bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng cho nên khó khăn trong việc xác định tài sản tham nhũng và tài sản được hình thành từ tài sản tham nhũng; chưa có cơ sở dữ liệu tập trung đối với thông tin về tài sản phải đăng ký, gây khó khăn cho việc điều tra, xác minh truy tìm tài sản tham nhũng.

Cùng các điều khoản, quy định của pháp luật, việc kiểm soát quyền lực và kiểm soát người thân dùng "ảnh hưởng" của người có chức, có quyền để trục lợi, đã được thể hiện trong các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương.

Tại Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021, Trung ương nêu rõ những điều đảng viên không được làm, đi liền với đó là chế tài xử lý kỷ luật khi đảng viên, nhất là người có chức, có quyền vi phạm. Tại Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vừa được ban hành, nêu rõ, trường hợp để vợ (chồng), con lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình tổ chức thực hiện hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng; tạo điều kiện để vợ (chồng), bố mẹ, con, con dâu, con rể, anh, chị, em ruột hoặc bên vợ (chồng) hoặc người khác thực hiện dự án, kinh doanh ngành nghề thuộc lĩnh vực, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách, theo dõi trái quy định nhằm trục lợi, thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa"... Phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định về công chức, công vụ, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải đặc biệt làm tốt công tác cán bộ; phải bằng mọi biện pháp không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Đồng thời thường xuyên quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm.

Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của báo chí, nhân dân và xã hội. Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kiem-soat-hieu-qua-tai-san-cua-can-bo-co-chuc-quyen-post779423.html