Kiểm soát lạm phát hiệu quả là điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô

6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát tương đối hiệu quả, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định – đây cũng là một điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Đây là khẳng định của chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long khi trao đổi với phóng viên báo Tài chính - Đầu tư.

Chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp tục được duy trì, gián tiếp kiềm chế tăng CPI. Ảnh: Đức Thanh

Chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp tục được duy trì, gián tiếp kiềm chế tăng CPI. Ảnh: Đức Thanh

PV: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản cũng chỉ tăng 3,16%. Ông bình luận gì về các con số này?

PGS.TS Ngô Trí Long: CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024 - mức tăng hợp lý và sát với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra tại Nghị quyết số 158/2024/QH15. So với cùng kỳ năm 2024 (CPI tăng 3,29%), mức tăng này tuy thấp hơn không đáng kể nhưng cho thấy xu hướng ổn định hơn của lạm phát theo tháng, với các mức tăng dao động trong khoảng 0,2 - 0,48%, không có biến động sốc.

Đáng chú ý, lạm phát cơ bản, vốn loại trừ các yếu tố có tính biến động cao như giá lương thực, thực phẩm và năng lượng, chỉ tăng 3,16% so với cùng kỳ.

Hai chỉ dấu quan trọng này cho thấy Việt Nam đang kiểm soát lạm phát trong 6 tháng đầu năm tương đối hiệu quả, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Đây là một điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời là thành quả bước đầu vững chắc trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Điều này thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa, điều hành giá và thương mại, sự chủ động và linh hoạt trong điều hành giá và chính sách vĩ mô.

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý giá, điều hành giá trong nửa đầu năm 2025?

PGS.TS Ngô Trí Long: Công tác quản lý, điều hành giá nửa đầu năm 2025 giữ ổn định trong bất định và cũng là nền tảng kiểm soát lạm phát thành công.

Nổi bật trong điều hành giá thời gian qua đó là kiểm soát tốt giá các mặt hàng thiết yếu. Ví dụ, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý, kết hợp sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nhờ đó, dù giá dầu thô Brent có thời điểm vượt 90 USD/thùng, giá bán lẻ xăng RON95 trong nước đến tháng 6/2025 chỉ tăng khoảng 3,8% so với cuối năm 2024, thấp hơn nhiều mức tăng của thế giới. Giá điện chưa có điều chỉnh lớn trong 6 tháng đầu năm, giữ ổn định mặt bằng giá sinh hoạt. Việc lùi thời điểm tăng giá điện theo lộ trình đã giúp tránh tạo “cú sốc giá” vào quý II – thời điểm nhu cầu điện tăng cao…

Xây dựng kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình

Theo các chuyên gia, công tác điều hành giá 6 tháng cuối năm cần chủ động xây dựng kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình “giãn – phân kỳ”, kết hợp trợ giá cho nhóm yếu thế để tránh tạo cú sốc vào CPI quý IV; tăng cường kiểm tra chống đầu cơ, làm giá, đặc biệt trong lĩnh vực xăng dầu, vật liệu xây dựng, thực phẩm, đảm bảo không xảy ra đột biến cục bộ về giá…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã phối hợp hiệu quả các chính sách quản lý giá – thương mại – tài khóa. Bộ Tài chính phối hợp chặt với các bộ, ngành, giám sát giá cả hàng hóa, dịch vụ chịu điều tiết (sữa, vật liệu xây dựng, cước vận tải...), ngăn ngừa tình trạng tăng giá bất hợp lý. Chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp tục được duy trì, kéo giá bán lẻ xuống, giúp giảm áp lực chi phí đầu ra cho doanh nghiệp và gián tiếp kiềm chế tăng CPI. Hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý đầu cơ – thao túng giá được tăng cường thông qua lực lượng quản lý thị trường, góp phần đảm bảo nguồn cung và tâm lý ổn định.

Tuy nhiên, công tác điều hành giá dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn: Áp lực từ biến động giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào tăng mạnh như cát, xi măng, thép…

Tâm lý kỳ vọng lạm phát còn nhạy cảm thông tin về khả năng tăng giá điện, y tế, giáo dục vào cuối năm khiến kỳ vọng lạm phát gia tăng cục bộ trong dân cư và doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng – đầu tư. Hơn nữa, tác động lan tỏa từ giá thế giới, nhất là năng lượng và lương thực, có độ trễ vào giá tiêu dùng trong nước, tạo khó khăn cho việc chủ động điều hành.

PV: Mức tăng CPI 3,27% của Việt Nam được đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông, 6 tháng cuối năm cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm nào để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra?

PGS.TS Ngô Trí Long: Với kết quả CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 là 3,27%, dư địa cho 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát trong ngưỡng 4 - 4,5% là khả thi, nhưng không thể chủ quan.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với rủi ro địa chính trị và biến động giá hàng hóa, để giữ CPI dưới 4% trong năm nay, giai đoạn 6 tháng cuối năm cần triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ linh hoạt, hướng về kiểm soát lạm phát. Thứ hai, chính sách tài khóa hỗ trợ, giảm áp lực giá đầu vào. Thứ ba, ổn định thị trường hàng hóa – lương thực, thực phẩm, năng lượng, vật liệu. Cụ thể, tăng cường dự trữ và bình ổn giá lương thực - thịt lợn, bởi việc thiếu hụt đã khiến giá thịt tăng 12 - 13% và kéo CPI chung lên 0,4 điểm phần trăm. Điều hành giá xăng dầu linh hoạt theo diễn biến thị trường thế giới; kiểm soát nguồn cung vật liệu xây dựng, như cát, đá, gạch – nơi giá tăng đột biến ảnh hưởng CPI 6 tháng đầu năm…

Thứ tư, tăng cường theo dõi, giám sát giá và diễn biến thị trường. Thực hiện giám sát liên tục và mạnh tay xử lý vi phạm trong điều hành giá của các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền, đầu cơ, tích trữ …

Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp trên, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở duy trì CPI dưới 4% trong năm 2025, ngay cả khi có cú sốc từ bên ngoài. Điều đó không chỉ đảm bảo mục tiêu chính sách vĩ mô, mà còn hỗ trợ niềm tin thị trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-soat-lam-phat-hieu-qua-la-diem-sang-trong-dieu-hanh-kinh-te-vi-mo-179698-179698.html