Kiểm soát linh hoạt việc phổ biến phim trên không gian mạng

Theo Luật Điện ảnh năm 2022, phim được phổ biến trên không gian mạng sẽ được kiểm soát linh hoạt hơn, theo hướng đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng. Đồng thời, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ vào kiểm soát, ngăn chặn phim vi phạm; phù hợp với điều kiện nhân lực, tài chính, phương tiện kỹ thuật thực tế ở nước ta và xu thế quản lý trên thế giới.

“Tiền kiểm” kết hợp với “hậu kiểm”

Luật Điện ảnh năm 2022 đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm tính minh bạch, khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Luật chú trọng thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước trong huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, sắp xếp lại theo nhóm chính sách để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích, tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

Một nội dung quan trọng của Luật là phổ biến phim trên không giang mạng. Luật Điện ảnh năm 2022 quy định, phim được phổ biến trên không gian mạng sẽ được “tiền kiểm” kết hợp với “hậu kiểm”. Theo đó, các biện pháp “tiền kiểm” bao gồm: Quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến. Biện pháp “hậu kiểm” bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Phương thức kiểm soát này sẽ bảo đảm cơ chế kiểm soát linh hoạt việc phổ biến phim trên không gian mạng; vừa đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng, vừa gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ vào kiểm soát, ngăn chặn phim vi phạm; phù hợp với điều kiện nhân lực, tài chính, phương tiện kỹ thuật thực tế ở nước ta và xu thế quản lý trên thế giới.

Về phân loại phim, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, phim Việt Nam được chiếu tại rạp đã thực hiện phân loại theo độ tuổi từ năm 2017. Tuy nhiên, quy định này chỉ mới áp dụng đối với phim chiếu tại rạp và chỉ được quy định tại Thông tư. Luật Điện ảnh năm 2022 đã quy định rõ việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim áp dụng cho các phim chiếu trên mọi hình thức phổ biến.

Toàn cảnh họp báo công bố lệnh của Chủ tịch Nước về Luật Điện ảnh năm 2022

Toàn cảnh họp báo công bố lệnh của Chủ tịch Nước về Luật Điện ảnh năm 2022

Bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài

Luật Điện ảnh năm 2022 được xây dựng trên cơ sở bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong kinh doanh theo từng hình thức phổ biến phim. Cụ thể, khi phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều phải xin cấp Giấy phép phân loại phim. Khi phổ biến phim trên hệ thống truyền hình đều phải có Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình. Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng đều phải có trách nhiệm phân loại phim theo độ tuổi người xem, hiển thị cảnh báo và tuân thủ các quy định của luật. Thống nhất một tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.

Luật cũng bổ sung quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ quay phim có sử dụng bối cảnh tại Việt Nam đều phải cam kết bằng văn bản không vi phạm các quy định về những nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh tại Điều 9 của luật này trước khi thực hiện phổ biến phim, như: nghiêm cấm vi phạm Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm chủ quyền quốc gia; gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, giá trị văn hóa Việt Nam... Theo định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, việc xây dựng các chính sách phù hợp, tạo thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư làm phim nước ngoài sử dụng dịch vụ và cảnh quay phim ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh, các ngành dịch vụ liên quan, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

So với Luật Điện ảnh năm 2006, Luật Điện ảnh năm 2022 cũng mở rộng chủ thể được tổ chức liên quan phim nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia quảng bá, tôn vinh điện ảnh trong nước. Cụ thể, các bộ, ban, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp được tự tổ chức liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. Cơ quan tổ chức không thuộc đối tượng nêu trên được phép tổ chức liên quan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/kiem-soat-linh-hoat-viec-pho-bien-phim-tren-khong-gian-mang-i294836/