Kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai các công việc nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm OCOP.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, triển khai thực hiện nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế; chủ động tham mưu, đề xuất trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền.

Hội đồng OCOP tỉnh trao đổi với chủ thể tại lễ tổng kết chương trình OCOP 2024, triển khai năm 2025.

Hội đồng OCOP tỉnh trao đổi với chủ thể tại lễ tổng kết chương trình OCOP 2024, triển khai năm 2025.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong quá trình tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, cần quan tâm, lưu ý đến các yêu cầu về: Vùng nguyên liệu, xuất xứ sản phẩm; điều kiện, chứng nhận an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến; mẫu mã, bao bì sản phẩm; thời hạn sử dụng; công bố chất lượng; sở hữu trí tuệ và công tác bảo vệ môi trường theo quy định. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc ổn định đội ngũ cán bộ, bộ máy quản lý, triển khai Chương trình OCOP các cấp theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp tục phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực và mở rộng thị trường; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể OCOP về đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu địa phương, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, phân hạng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận, gắn với vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm, quản lý thị trường và cơ quan quản lý về Chương trình OCOP; nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, chế biến của các chủ thể OCOP, đặc biệt là về an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu và bảo vệ môi trường. Kiên quyết thu hồi sản phẩm OCOP không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm so với quy định, đồng thời thông tin rộng rãi đến các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về các sản phẩm này; chủ động trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt là phản ánh từ cộng đồng, người tiêu dùng, cơ quan báo chí... để kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền (nếu có) hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

H.Đ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/dong-hanh-voi-ocop/202507/kiem-soat-nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop-59d7956/