Kiểm soát nhiễm khuẩn 'chìa khóa ' thành công bước đầu trong chống dịch COVID-19
Đến thời điểm này, một số bệnh nhân nặng tưởng khó thoát khỏi cửa tử điều trị tại BV TW Huế cơ sở 2 đã có diễn biến tốt, sức khỏe ổn định. Đặc biệt, hiện tại chưa có nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh nào bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Có được thành công này phải kể đến vai trò quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn...
Nhiều bệnh nhân nặng thoát khỏi cửa tử, khỏi COVID-19
Sau gần 1 tháng nỗ lực hết mình chiến đấu, thần tốc dập dịch COVID-19, huy động mọi nguồn lực, điều trị tích cực, cứu chữa người bệnh, từ chiều ngày 19/8/2020 đến nay, Bệnh viện TW Huế cơ sở 2 đã làm thủ tục cho 2 ca bệnh nặng được chữa khỏi bệnh ra viện và bàn giao cho CDC Quảng Nam;
Đồng thời, Bệnh viện TW Huế cơ sở 2 cũng bàn giao 4 ca bệnh mắc COVID-19 kèm nhiều bệnh lý nền nặng từ nhiều năm trước tưởng chừng khó vượt qua cửa tử thần đã được chữa trị có diễn biến tốt, sức khỏe ổn định, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính từ 4 lần trở lên cho Sở Y tế Tp Đà Nẵng tiếp tục theo dõi điều trị các bệnh lý nền tại địa phương;
6 bệnh nhân được ra viện, chuyển viện đều rất vui vẻ, xúc động gửi lời cảm ơn sự quan tâm, chăm sóc, điều trị của Bệnh viện, các chuyên gia y tế từ Hà Nội được Bộ Y tế điều động tăng cường vào Huế hỗ trợ. Đặc biệt, điều vui mừng hơn cả là hiện tại chưa có nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh nào bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Có được thành công bước đầu này, ngoài sự nỗ lực của các Bác sỹ, điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao, phải kể đến sự đóng góp rất quan trọng của lãnh đạo và cán bộ Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện TW Huế cơ sở 2
Những cách làm sáng tạo trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
Nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn, coi việc kiểm soát nhiễm khuẩn tốt là mắt xích quan trọng, là chìa khóa vàng trong sự thành công của phòng chống và điều trị COVID-19, ngay từ những ngày đầu khi dịch bùng phát trở lại ở Miền Trung, đặc biệt ngay sau khi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 giao Bệnh viện TW Huế cơ sở 2 tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ tâm dịch Bệnh viện Tp Đà Nẵng chuyển ra.
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, đứng đầu là ThS. Trần Thị Thúy Phượng, Trưởng khoa, cùng các BS. Cát Minh, BS. Nhật Tân, cử nhân Văn Tuệ, Nhứt Đông, Bảo Tân, Hải Nam và nhiều nhân viên khác đã tham mưu Lãnh đạo Bệnh viện và trực tiếp tham gia cải tạo cơ sở vật chất, lắp đặt thêm thiết bị, dụng cụ kiểm soát nhiễm khuẩn, bố trí nhân lực tại Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19 với quan điểm về phương châm đảm bảo an toàn nhất, tránh lây nhiễm chéo cho người bệnh và nhân viên y tế.
Các công việc phải kể đến tưởng chừng đơn giản, nhưng đã góp phần to lớn thành công trong điều trị như Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19 được bố trí ba vòng làm việc: Vòng trong cùng là vòng cách ly đặc biệt, nơi bố trí buồng bệnh cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid; Tiếp đến là vòng đệm và vòng ngoài là khu hành chính, điều hành của các chuyên gia và Lãnh đạo quản lý. Giữa các vòng đều có rào chắn, biển báo rõ ràng để nhân viên biết và tuân thủ thực hiện.
Các cửa sổ của trung tâm được mở thông thoáng tối đa, có cửa lưới chống xâm nhập của côn trùng từ môi trường bên ngoài bay vào. Lối đi ra, vào các vòng được bố trí hợp lý. Ở hành lang giữa trung tâm được lắp đặt các cây quạt lớn để thổi lưu thông không khí theo một chiều.
Trong vòng đệm được bố trí phòng thay đồ, nhà vệ sinh, bồn rửa tay, nhà tắm cho nhân viên sau khi cởi bỏ bộ đồ phòng hộ đặc biệt phòng chống COVID-19; Có cửa thu gom xử lý những đồ nguy hại riêng biệt và nhân viên kiểm soát nghiêm ngặt.
Phía ngoài Trung tâm, Khoa cũng tham mưa Lãnh đạo bệnh viện lắp đặt bổ sung phòng thay quần áo, giầy dép, trước khi vào khu hành chính để làm việc. Một hệ thống rửa tay, nhà vệ sinh lưu động của công ty môi trường đô thị Tp. Huế được hợp đồng lắp đặt cấp tốc và hoàn thiện trong vòng 1-2 ngày kịp phục vụ cho nhân viên khu hành chính của Trung tâm.
Để đảm bảo trao đổi thông tin thuận lợi, nhanh chóng giữa các vòng cách ly tại Trung tâm, hạn chế số cán bộ ra- vào khu cách ly ở vòng trong nhưng vẫn đảm bảo cập nhật thông tin của người bệnh, với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống Tele- ICU; sử dụng bộ đàm thoại cầm tay; lắp đặt thêm hệ thống camera để vòng ngoài có thể quan sát rõ người bệnh, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân trên các máy monitor.
Ngoài ra, bệnh viện còn sử dụng robot hỗ trợ cho công việc, hạn chế nhân viên trực tiếp làm việc, đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ kép vừa kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, vừa đảm bảo thông tin để theo dõi, cấp cứu người bệnh kịp thời.
Công tác tổ chức cũng được chú trọng, Bệnh viện đã chia 4 ca làm việc liên tục, mỗi ca, kíp có nhiều nhóm cán bộ chuyên môn thay nhau làm việc trách quá sức cho nhân viên. Để đảm bảo tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, Lãnh đạo Khoa đã phân công nhân viên giám sát việc rửa tay, thay đồ, mặc đồ bảo hộ, các động tác chăm sóc, làm thủ thuật, đảm bảo nhân viên y tế đảm bảo thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt của kiểm soát nhiễm khuẩn. Ngoài ra còn phân công nhân viên thu dung, phân loại đồ vải, rác thải, vệ sinh bề mặt dụng cụ, thiết bị y tế, thiết bị văn phòng…
Phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tốt
Trao đổi với chúng tôi, ThS Trần Thị Thúy Phượng,Trưởng khoa và nhân viên Kiểm soát Nhiễm khuẩn cho biết, khi ổ dịch COVID-19 xuất hiện ở Đà Nẵng, mặc dù tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chị đã tham mưu Lãnh đạo Bệnh viện phải tăng cường, củng cố lại hệ thống các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, tiến hành rà soát trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ, hóa chất, dung dịch sát khuẩn để đảm bảo đủ cơ số theo quy định của Bộ Y tế, sẵn sàng phòng chống dịch.
Đồng thời bệnh viện đã tổ chức các đợt tập huấn, kiểm tra các khâu thực hành nào chưa an toàn, chưa phù hợp phải điều chỉnh lại. Toàn bộ cán bộ của Khoa đã tích cực tiến hành khảo sát lại toàn bộ công tác từ sàng lọc, phân luồng, cách ly cho bệnh nhân cũng như những biện pháp thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn đã triển khai trong Bệnh viện.
Xây dựng kịch bản và đề xuất đưa ra phương án làm sao giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện. Đảm bảo giữ bệnh viện sạch, an toàn, không để bệnh nhân mắc COVID-19 lọt vào trong bệnh viện mà chưa được kiểm soát.
Theo chị điều quan trọng nhất là phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tốt. Công việc này phải luôn luôn được duy trì kể cả lúc có dịch hay không có dịch. Nếu có dịch xảy ra mới làm thì lúc đó là quá muộn, không kịp xoay sở.
Mỗi Khoa phòng của bệnh viện cũng phải dành ít nhất một phòng cách ly, khi có ca nghi nhiễm có chỗ để theo dõi, cách ly người bệnh. Mỗi khoa cần phân công nhân viên theo dõi về kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên này cần được đào tạo, có kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn. Các bệnh nhân trước khi đưa vào điều trị nội trú phải đảm bảo được xét nghiệm Sars-Cov2 âm tính mới đưa vào khu nội trú, chị chia sẻ.
Được trực tiếp làm việc tại Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19, BV TW Huế cơ sở trong thờ gian ngắn, những cán bộ từ Hà Nội được tăng cường vào Huế để hỗ trợ bệnh viện, chúng tôi rất cảm động, đã chứng kiến nhiều tấm gương, hình ảnh trân quý của những bác sĩ, điều dưỡng trên tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện.
Có những người chấp nhận cách ly trong thời gian dài, có người giờ vẫn cách ly tại bệnh viện chưa thể về nhà với gia đình, có người thức đêm hôm trong khu cấp cứu, phòng xét nghiệm. Có người đối mặt với nguy hiểm nhưng vẫn hết lòng, hết sức cứu chữa người bệnh; Có những lúc phải im lặng, cúi nhìn, gạt nước mắt vì người bệnh quá nặng không thể qua khỏi. Tất cả những hình ảnh đó khó phai mờ trong tâm trí chúng tôi và bạn bè đồng nghiệp.
Chia tay bệnh viện, ngắm nhìn lại khung cảnh của Trung tâm, nơi đã thu dung và điều trị các bệnh nhân nặng nhất của Miền Trung khi dịch bùng phát trở lại, với những con đường được dọn dẹp sạch sẽ, thảm cỏ xanh, cây cối rợp bóng mát, các thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn được sắp đặt gọn gàng, tiện lợi, ngắm nhìn các cán bộ Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn miệt mài làm việc, mỗi chúng tôi đều cảm thấy lưu luyến khi rời bệnh viện...
Bởi các công việc âm thầm này của họ đã góp phần làm cho bệnh viện an toàn hơn trong mùa dịch, một công việc rất đáng được trân trọng và tôn vinh.