Kiểm soát quyền lực là giải pháp hàng đầu trị 'tham nhũng chính sách'

Giải pháp quan trọng hàng đầu để trị tham nhũng chính sách không có gì khác hơn là tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia.

Một nhà nước pháp quyền dân chủ một mặt phải bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân, mặt khác phải bảo đảm sự kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động của bộ máy công quyền, đội ngũ công chức và trên bình diện toàn xã hội.

Ở Việt Nam, điều đó được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phạm Hải

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phạm Hải

Bên cạnh những kết quả quan trọng, Bộ Chính trị cũng lưu ý, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, nghị quyết nêu rõ: Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý; còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư...

Từ đó, Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt thực hiện tốt nhiều nội dung về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó có việc tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.

“Tham nhũng chính sách” là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân của tình trạng chất lượng pháp luật chưa cao là những tác động xuất phát từ những "động cơ không trong sáng" của những người tham gia vào quá trình soạn thảo, thông qua luật - điều mà người ta gọi là “tham nhũng chính sách” trong quá trình xây dựng pháp luật.

Sự tác động đó nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động một cách thiên lệch vào những quyết sách của nhà nước để có lợi cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc một nhóm lợi ích nhất định.

Khác với hành vi tham nhũng cụ thể, thường là từ sự vi phạm pháp luật hiện hành dễ nhận diện, “tham nhũng chính sách” là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm nhưng lại rất khó phát hiện và nó thường qua nhiều khâu, nhiều tầng nấc.

Tham nhũng chính sách nói chung hay tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật nói riêng xuất hiện ngay từ việc vận động để lợi ích của mình được “luật hóa”, được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật đến quá trình soạn thảo thông qua luật với những hình thức rất tinh vi.

Mỗi câu chữ thêm bớt trong văn bản có thể sẽ là những thủ tục, những “giấy phép con” trong quá trình thực thi chính sách. Việc thêm các thủ tục, các loại “giấy phép con” không cần thiết để tạo ra quyền lực sau này có thể lợi dụng gây khó khăn sách nhiễu, đòi hối lộ.

Tinh thần của Nghị quyết 66 thể hiện tầm nhìn và sự nhất quán trong quan điểm của Đảng và Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Ảnh minh họa: Quốc hội

Tinh thần của Nghị quyết 66 thể hiện tầm nhìn và sự nhất quán trong quan điểm của Đảng và Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Ảnh minh họa: Quốc hội

Tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thực chất là hành vi hối lộ những người có thẩm quyền trong quá trình ban hành văn bản pháp luật nhằm đưa ra những nội dung có lợi cho một nhóm người nào đó và lợi ích đó sẽ thu được khi triển khai thi hành các văn bản pháp luật trên thực tế.

Tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật cũng có những nguyên nhân giống như mọi hành vi tham nhũng khác.

Một mặt, đó là sự suy thoái về đạo đức, sự thiếu kiểm soát lòng tham của những người có quyền lực, đã vì lợi ích cá nhân hoặc nhóm của mình mà đi ngược lại hay bất chấp lợi ích của cộng đồng, của xã hội, đất nước.

Nhưng mặt khác, quan trọng hơn, là sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả đối với việc thực hiện quyền lực.

Sự xuống cấp của đạo đức, sự tha hóa quyền lực là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “giặc nội xâm” cản trở, phá hoại sự phát triển của đất nước.

Tất cả những biểu hiện và hậu quả của những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật nêu trên cần được nhận thức đầy đủ và ngăn chặn kịp thời.

Giải pháp quan trọng hàng đầu, không có gì khác, là tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 66 lần này.

Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Tinh thần của Nghị quyết 66 thể hiện tầm nhìn và sự nhất quán trong quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị, trong đó có lĩnh vực xây dựng pháp luật.

Quy định 178 ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của những hành vi này cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây về "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình" cũng đã nhấn mạnh việc xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên của các bộ, ngành Trung ương.

Người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.

Khi người đứng đầu trực tiếp tham gia và chịu trách nhiệm, mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm thì ắt hẳn sẽ lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Và khi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ trong việc xây dựng pháp luật, bảo đảm một hệ thống thể chế, pháp luật hoàn thiện để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực sẽ phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TS Đinh Văn Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kiem-soat-quyen-luc-la-giai-phap-quan-trong-hang-dau-tri-tham-nhung-chinh-sach-2399190.html