Kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật

Dự kiến tại Kỳ họp bất thường vào tháng 2/2025, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật có nhiều quy định mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật như: tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật... Đáng chú ý là việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm

Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) của Bộ Tư pháp chỉ rõ, Điều 5 Luật hiện hành quy định các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc thực hiện các quy định này đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành và địa phương còn lúng túng, không xác định được trình tự, thủ tục xin ý kiến các cấp ủy đảng về chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Luật chưa quy định về cơ chế xin ý kiến cấp ủy đảng, cũng như thời điểm, trách nhiệm xin ý kiến.

Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, Báo cáo đánh giá tác động nhận định, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ khâu lập đề nghị, soạn thảo đến xem xét, thông qua hoặc ký ban hành, thậm chí là trong quá trình tổ chức thi hành văn bản.

Tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm có thể được thực hiện bằng các cách thức tác động vào các khâu quy trình, với nguy cơ có thể không lấy ý kiến của những cơ quan, tổ chức mà theo quy định bắt buộc phải lấy ý kiến; không đánh giá tác động thủ tục hành chính hoặc đánh giá không đầy đủ; không quy định rõ thủ tục hành chính hoặc quy định thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết; quy định điều kiện kinh doanh không dựa trên yêu cầu quản lý nhà nước, nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng cần thiết phải quy định cụ thể nguyên tắc và cơ chế kiểm soát trong Luật. Qua thống kê, Bộ Tư pháp cũng nhận định, thời gian qua, nhiều văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật được ban hành, trong đó đặt ra các mục tiêu, yêu cầu cụ thể cần phải được thể chế hóa vào Luật.

Việc bổ sung một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây cũng là giải pháp nhằm thu hút rộng rãi sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình xây dựng pháp luật gắn với hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật.

Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4) trên cơ sở kế thừa, có sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 5 của Luật hiện hành. Theo đó, bổ sung một số nguyên tắc quan trọng, gồm: kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc; kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, yêu cầu phát sinh từ thực tiễn; bảo đảm quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn được thể hiện tại nội dung cụ thể của một số điều như việc xin ý kiến của Bộ Chính trị đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt (Điều 52), trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng (Điều 67), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 68)…

Đề xuất bỏ thẩm quyền ban hành văn bản của cấp xã

Với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật quy định bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với đề xuất nêu tại Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng văn bản quy phạm pháp luật do cấp xã ban hành rất khác nhau. Tính từ 1/7/2016 đến 31/12/2023, có 21/63 tỉnh có cấp xã không ban hành nghị quyết; 17/63 tỉnh có cấp xã không ban hành quyết định; một số địa phương, cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào trong 8 năm thi hành Luật (Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ…).

Theo Bộ Tư pháp, ở cấp xã, người làm công tác xây dựng pháp luật vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu kiến thức và kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cấp xã là cấp hành chính cơ sở, chỉ tập trung nguồn lực vào công tác triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã thực tế cho thấy không nhiều. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng cần thiết phải quy định bỏ hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.

Phan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/kiem-soat-quyen-luc-trong-xay-dung-va-thi-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-20250202113100227.htm