Kiểm soát thực phẩm chức năng: Quản lý chặt đi đôi với nhận thức của người tiêu dùng

Trước tình hình một loạt sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo một số loại thực phẩm chức năng không đúng sự thật và nguồn gốc, Bộ Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán, sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kém chất lượng.

Đợt cao điểm này nhằm thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Sai sự thật

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, khoảng 63% người trưởng thành tại thành phố Hà Nội từng sử dụng thực phẩm chức năng; trong đó nhóm tuổi từ 30 đến 55 là nhóm tiêu dùng chính. Thị trường thực phẩm chức năng tại Thủ đô hiện có hàng nghìn sản phẩm đến từ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các dòng sản phẩm phổ biến nhất bao gồm: Thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa, xương khớp, tăng cường miễn dịch, làm đẹp da và bổ sung vitamin. Những năm gần đây, xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thảo dược Việt cũng gia tăng rõ rệt.

Thực tế thị trường cho thấy, không ít sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng bá trên mạng xã hội như “thần dược”, với các cụm từ gây hiểu lầm như “chữa khỏi”, “điều trị dứt điểm”, “hiệu quả sau 7 ngày”… Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo sai quy định càng làm tăng mức độ đánh lừa người tiêu dùng.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Hùng, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: “Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Sử dụng bừa bãi hoặc mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây hại gan, thận hoặc dẫn đến ngộ độc”. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng trôi nổi chứa các thành phần hóa học tổng hợp không được công bố hoặc vượt quá liều lượng an toàn. Những chất này có thể gây tổn thương khi dùng kéo dài, đặc biệt là với người cao tuổi hoặc có bệnh nền.

Ông Hùng cũng cho biết: “Tôi từng gặp bệnh nhân đái tháo đường nhập viện vì hôn mê do hạ đường huyết sau khi dùng thực phẩm chức năng được quảng cáo là ổn định đường huyết tự nhiên”.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng chia sẻ: “Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị công an kinh tế, quản lý thị trường và truyền thông để kiểm soát chặt chẽ quảng cáo sai sự thật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật”.

Trong năm 2024, Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều trường hợp sử dụng giấy xác nhận công bố sản phẩm giả hoặc chưa được cấp phép lưu hành. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu, nhái thương hiệu, gắn mác “hàng xách tay” tràn lan cũng khiến người tiêu dùng hoang mang. Tại một số chợ đầu mối và sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt vẫn được bày bán công khai.

Chị Vũ Thị Hương (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất quan tâm đến sức khỏe, nhưng thực sự không biết đâu là sản phẩm uy tín. Có lúc tôi tra trên mạng thì thấy có hàng chục sản phẩm nhãn hiệu giống nhau, mỗi nơi nói một kiểu’’.

Theo quy định, mỗi sản phẩm thực phẩm chức năng khi lưu hành phải đáp ứng quy định về quản lý thực phẩm chức năng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn; đối tượng sử dụng, cách dùng phải phù hợp với công dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay đang diễn ra tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như “thần dược”, thổi phồng công dụng, làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm về bản chất sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cần vá những kẽ hở

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, Hà Nội là địa bàn tiêu thụ thực phẩm chức năng hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường này vẫn còn nhiều kẽ hở, đặc biệt trong khâu giám sát quảng cáo và truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm nhập khẩu cũng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng. Để tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng này, tạo môi trường quảng cáo công bằng, bình đẳng, minh bạch, đúng pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam; đồng thời, cần yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm của mình trên các phương tiện truyền thông và nền tảng số.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Chúng ta cần khuyến khích các nghiên cứu lâm sàng về thực phẩm chức năng. Việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm và công bố kết quả nghiên cứu khoa học sẽ giúp người dân có niềm tin hơn vào hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Việc khuyến khích nghiên cứu lâm sàng về thực phẩm chức năng là một chiến lược quan trọng, nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của các sản phẩm này trước khi đưa ra thị trường. Tùy theo từng quốc gia và chính sách quản lý, việc khuyến khích này có thể được thực hiện qua nhiều hình thức, bao gồm: xây dựng quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, quy trình đánh giá và cấp phép thử nghiệm lâm sàng đối với thực phẩm chức năng: công nhận kết quả thử nghiệm lâm sàng như một tiêu chí đánh giá chất lượng, giúp các sản phẩm có thử nghiệm lâm sàng dễ dàng được cấp phép hoặc ưu tiên trong truyền thông, thị trường.

Ông Trần Quang Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Xanh Hà Thành nêu ý kiến: “Thị trường thực phẩm chức năng đang bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh không lành mạnh. Những doanh nghiệp làm thật, làm đúng thường không đủ sức cạnh tranh với các đơn vị quảng cáo thổi phồng, sản xuất hàng kém chất lượng với giá rẻ. Cần có danh sách sản phẩm thực phẩm chức năng được công nhận chất lượng để người dân dễ dàng tra cứu; cũng nên có cơ chế thẩm định hiệu quả sản phẩm trước khi lưu hành”.

Trước những bất cập trên, giới chuyên gia và quản lý đề xuất một số nhóm giải pháp cấp thiết như sau: hoàn thiện pháp lý bằng việc xây dựng hệ thống luật chuyên biệt cho thực phẩm chức năng, làm rõ ranh giới giữa thực phẩm và thuốc; siết chặt điều kiện công bố sản phẩm và trách nhiệm hậu kiểm; cần có cổng thông tin kiểm chứng nội dung quảng cáo; phạt thật nặng các trường hợp gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia, nhà quản lý cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về các sản phẩm thực phẩm chức năng được cấp phép, hỗ trợ người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc dễ dàng thông qua mã QR hoặc ứng dụng điện thoại; hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính (ưu tiên cấp phép nhanh cho sản phẩm có nghiên cứu khoa học rõ ràng); hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư dây chuyền đạt chuẩn; tổ chức các chiến dịch truyền thông hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng đúng cách, đặc biệt với người cao tuổi và phụ nữ sau sinh – những nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sai lệch.

Quốc Lũy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/kiem-soat-thuc-pham-chuc-nang-quan-ly-chat-di-doi-voi-nhan-thuc-cua-nguoi-tieu-dung-20250523095652577.htm