Tiếp tục đấu tranh phòng chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trên không gian mạng, môi trường thương mại điện tử chưa được kiểm soát hiệu quả và có xu hướng gia tăng.

Thanh tra Sở Y tế Lâm Đồng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại các cơ sở hành nghề dược tư nhân
PHÁT HIỆN 29 CƠ SỞ HÀNH NGHỀ DƯỢC VI PHẠM
Từ đầu năm 2025 đến nay, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế Lâm Đồng đã tiến hành 4 cuộc kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra 52 cơ sở (50 cơ sở hành nghề dược, 2 cơ sở hộ kinh doanh thực phẩm), phát hiện 29 cơ sở hành nghề dược vi phạm đã xử phạt 121 triệu đồng.
Hành vi vi phạm đối với cơ sở hành nghề dược là cơ sở để lẩn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm thực phẩm chức năng; cơ sở niêm yết không đầy đủ; người phụ trách chuyên môn vắng mặt, không thực hiện việc ủy quyền theo quy định pháp luật.
Riêng đối với lĩnh vực thực phẩm hiện nay, công tác quản lý chất lượng và phòng chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại thuộc trách nhiệm chung của các ngành y tế, công thương, khoa học và công nghệ, nông nghiệp và môi trường… UBND tỉnh giao cho ngành Y tế chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm vào các dịp cao điểm trong năm.

Kiểm tra cơ sở hành nghề y dược cổ truyền
PHÁT HIỆN, TIÊU HỦY NHIỀU THỰC PHẨM KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC
Sở Công thương Lâm Đồng đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện nghiêm Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Kế hoạch của Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước về cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Kết quả hoạt động kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật từ 15/5 đến 22/5: Tổng số kiểm tra 16 vụ (trong đó 11 vụ kiểm tra đột xuất), phát hiện 13 vụ vi phạm, đã xử phạt 104 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu buộc tiêu hủy hơn 40 triệu đồng. Các hành vi vi phạm về giá, an toàn thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thương mại điện tử và vi phạm khác. Hàng hóa buộc tiêu hủy gồm mứt (109 kg), hộp lẩu thái (21 hộp) và gà ủ muối (6 con), thịt cá đông lạnh (257 kg) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Kiểm tra mặt hàng sữa bột
XỬ LÝ NHIỀU VỤ VIỆC VI PHẠM VỀ BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, HÀNG GIẢ, HÀNG CẤM
Thời gian qua, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Điển hình như: Ngày 22/05/2025, Phòng PC03 - Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra tại 3 địa chỉ: Angel Vape (Phường 1, TP Bảo Lộc); VENUS SHOP (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm); ROYAL SHOP (Phường 2, TP Bảo Lộc). Qua kiểm tra 3 cơ sở phát hiện 14 thùng thuốc lá điện tử, tinh dầu, đầu lọc dùng cho thuốc lá điện tử, 1 thùng nước hoa, qua quá trình làm việc chủ cơ sở không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng nói trên, Phòng PC03 đã tiến hành lập biên bản và niêm phong số hàng hóa để xác minh theo quy định của pháp luật.
Qua thống kê các vụ việc vi phạm đã bắt giữ, xử lý, Công an tỉnh nêu lên một số thủ đoạn vi phạm pháp luật như: Mua tài khoản ảo trên mạng xã hội để kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng cấm, hàng hóa nhập lậu; xoay vòng, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng để trốn thuế hoặc hợp thức hóa hàng nhập lậu, hàng giả; buôn bán hàng giả trà trộn với hàng thật; che dấu thông tin người mua và người bán bằng phương thức giao dịch hàng hóa qua mạng internet, giao hàng thông qua các đơn vị vận tải trung gian và sử dụng thẻ game để thanh toán tiền hàng hóa; gian lận trong kê khai giá cả hàng hóa trên hóa đơn giá trị gia tăng để trốn thuế…
Các đối tượng vi phạm thường tập trung vào ngành hàng là thế mạnh của tỉnh, đem lại giá trị lợi nhuận cao như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mứt và tài nguyên khoáng sản; hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về thương mại, dịch vụ như TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng. Riêng hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm chủ yếu tập trung tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống hoặc có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn như địa bàn huyện Đam Rông, Đạ Huoai…
Các vụ việc vi phạm có gia tăng nhưng đa số phân tán nhỏ lẻ, số lượng và giá trị tang vật thu giữ không lớn; nguồn hàng vi phạm chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh, thành khác về Lâm Đồng tiêu thụ; các đối tượng hoạt động với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện và che giấu tội phạm, gây khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.