Kiểm soát vận mệnh của chính mình

Chúng ta ghi nhớ rằng chúng ta có khả năng tác động đến chính vận mệnh của mình thay vì để dòng đời xô đẩy vô định.

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác không quản lý được thời gian trong ngày của mình chưa? Dường như thế giới của bạn quá cứng nhắc và được xây dựng dựa trên quá nhiều luật lệ khiến bạn không thể lựa chọn cuộc sống của mình? Điều đó, bạn của tôi, chính là phản xạ có điều kiện về sự bất lực.

Cái cảm giác mà tôi đã trải qua ấy? Cảm giác bế tắc khiến tôi muốn đầu hàng và không buồn nghĩ đến mình đã cảm thấy trống rỗng đến mức nào? Đó chính là khi sự bất lực xuất hiện và tôi phải học cách vượt qua nó.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Audrey Stephenson.

Ảnh minh họa. Nguồn: Audrey Stephenson.

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cho phép phản xạ có điều kiện về sự bất lực chiếm quyền kiểm soát, bởi vì sự thụ động này có thể khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội để cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Một ví dụ điển hình cho hành vi này là khi một học sinh đã chuẩn bị kỹ càng cho bài kiểm tra nhưng kết quả vẫn kém.

Khi chuẩn bị cho bài kiểm tra lần sau, cô bé có thể tự ti mà nghĩ rằng: Chuẩn bị để làm gì, vì “cô bé vẫn sẽ không làm được bài mà thôi”, nên cô bé không còn quan tâm nữa.

Cô bé hình như đã quên rằng, ở bài kiểm tra đầu tiên, cô đã đi chơi khuya trong đêm trước đó hoặc bị phân tâm bởi cuộc cãi vã với người bạn thân. Cô chỉ nhớ rằng cô đã học bài mà vẫn không làm được bài kiểm tra; chính vì vậy việc học bài không có tác dụng. Cô cảm thấy bế tắc và không còn lựa chọn nào khác, cô chỉ đơn giản là ngừng cố gắng.

Không phải sự thật là thứ khiến ta cảm thấy bế tắc; mà là do lăng kính chúng ta dùng để nhìn thế giới. Có thể bạn mệt mỏi vì phải cố gắng nhưng dường như cố gắng cũng chẳng ích gì. Có những lần khi chúng ta chỉ muốn nằm lại trên giường, trùm chăn bởi vì chúng ta bị choáng ngợp với sự hỗn loạn quay cuồng trong ngày.

Có thể chúng ta không nhìn vào sâu bên trong để xác định chúng ta là ai và điều gì quan trọng nhất với mình. Chúng ta quá chú tâm vật lộn và cố gắng bơi không ngừng nghỉ để tránh chìm nghỉm giữa dòng nước mà quên mất rằng chúng ta có thể lựa chọn dừng bơi và đứng lại một lúc.

Chúng ta có thể cho phép chính mình hít một hơi sâu và dành thời gian để ngắm nhìn chân trời, ta có thể chọn bơi đến những dòng nước êm ả hơn.

Khi chúng ta tặng chính mình năng lực để bước lui lại và lựa chọn, điều mạnh mẽ sẽ xuất hiện. Chúng ta cố gắng kiểm soát chính mình. Nói cách khác, chúng ta ghi nhớ rằng chúng ta có khả năng tác động đến chính vận mệnh của mình thay vì để dòng đời xô đẩy vô định.

Những người có giới hạn kiểm soát nội tại mạnh mẽ tin rằng họ được tự do và có khả năng để lựa chọn, quyết định những việc sẽ xảy ra với họ. Do đó, họ hạnh phúc hơn và có động lực sống hơn.

Các chuyên gia tâm lý học chỉ ra rằng “giới hạn kiểm soát nội tại được kết nối với những thành công trong học thuật… động lực tự thân cao hơn và sự trưởng thành về mặt xã hội cao hơn… tỷ lệ bị căng thẳng và trầm cảm thấp hơn… và tuổi thọ dài hơn.” Chúng ta muốn giới hạn kiểm soát nội tại trở nên mạnh mẽ hơn và bắt đầu hiểu rằng chúng ta có quyền chọn lựa.

Tanya Dalton/ Best Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/kiem-soat-van-menh-cua-chinh-minh-post1485093.html