Kiểm soát việc thành lập doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả hoạt động

Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra tại Phiên thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chiều 10/5.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ chiều 10/5. Ảnh: T. QUỲNH

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ chiều 10/5. Ảnh: T. QUỲNH

Nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng không hoạt động

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp hiện nay; đồng thời, thống nhất với các nội dung theo Tờ trình của Chính phủ.

Quan tâm đến vấn đề thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho biết, quá trình khảo sát thực tế tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được rất nhiều ý kiến về sửa đổi Luật, trong đó có nội dung về đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, nhiều ý kiến của các đơn vị cho rằng, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp thông thoáng như thời gian qua, bên cạnh sự thay đổi tích cực thì cũng đặt ra những rủi ro. Bởi thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng thực chất không hoạt động mà thực hiện nhiều hình thức khác, gây khó khăn cho việc quản lý tại địa phương.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận. Ảnh: T. QUỲNH

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận. Ảnh: T. QUỲNH

“Đặc biệt, việc quy định thủ tục quá đơn giản cũng như phần vốn góp hiện không kiểm soát được, dẫn đến các doanh nghiệp được thành lập nhiều nhưng hiệu quả không như mong đợi, gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước” - đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị, cần cân nhắc xem xét xây dựng các khâu để kiểm soát chặt vấn đề này, tránh tình trạng các doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không thực hiện mục tiêu như đăng ký ban đầu, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý, quản trị.

Không tăng thêm các quy trình, thủ tục nhưng phải bảo đảm các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phải hoạt động hiệu quả”.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, quy định tại khoản 5, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 16 về kê khai giả mạo, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cần tiếp tục rà soát thêm các hành vi bị nghiêm cấm; nhất là việc tiếp tay cho các doanh nghiệp không có hoạt động thực tế mà mua bán, cho thuê doanh nghiệp pháp nhân trái pháp luật, không qua các quy trình đăng ký hợp pháp hay lợi dụng tư cách của doanh nghiệp để tài trợ khủng bố, rửa tiền xuyên quốc gia.

Ngăn chặn gian lận, gây thất thu ngân sách

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) đề nghị cần xem xét bổ sung các quy định, biện pháp, chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ vốn điều kiện đã đăng ký hoặc cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý thuế.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu thảo luận. Ảnh: T. QUỲNH

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu thảo luận. Ảnh: T. QUỲNH

Đại biểu cũng chỉ rõ, khoản 2, Điều 17 Luật hiện hành quy định về đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm các đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật về thuế như trốn thuế, nợ thuế vào các đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.

“Thời gian qua, vi phạm thuế nói chung của các doanh nghiệp diễn biến tinh vi với số lượng lớn, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, việc bổ sung đối tượng này sẽ góp phần bảo đảm trong việc thu ngân sách nhà nước và ổn định môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội” - đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nói.

Bên cạnh đó Cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu và bổ sung quy định cụ thể về việc yêu cầu cần phải chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính minh bạch và dễ dàng kiểm tra trong quá trình kiểm tra, giám sát, quản lý doanh nghiệp.

Cho ý kiến đối với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất rà soát để bao quát được hết các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp. Cụ thể như, tại điểm c Điều 36 quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế, cần rà soát để đảm bảo trong quá trình thực hiện có đầy đủ các nội dung yêu cầu pháp lý…

Đánh giá cao việc Dự thảo Luật bổ sung quy định về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định, kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho rằng, khi thông tin về người kiểm soát doanh nghiệp được công bố, trách nhiệm của người đại diện pháp luật và ban lãnh đạo công ty được tăng cường. Đây cũng là cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết: yêu cầu minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi nhằm bảo vệ sự liêm chính trong quản trị doanh nghiệp và thị trường tài chính.

Đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi vào cả các luật liên quan. Đối với Dự thảo Luật, nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong việc cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu; bổ sung chế tài xử lý nghiêm trường hợp kê khai sai lệch thông tin chủ sở hữu hưởng lợi.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-soat-viec-thanh-lap-doanh-nghiep-bao-dam-hieu-qua-hoat-dong-40162.html