Kiếm tiền tỷ nhờ phục dựng phố xưa, nhà cổ
Niềm đam mê lắp ráp và tạo hình nhà cổ, xe máy cổ đã giúp anh Nguyễn Văn Dũng (40 tuổi, Nam Định) chế tác hàng trăm sản phẩm, thu về tiền tỷ suốt nhiều năm qua.
Tái hiện ký ức qua mô hình
Lớn lên trong một gia đình làm nghề mộc, đồ gỗ mỹ nghệ ở Hàng Tiện (Nam Định), anh Nguyễn Văn Dũng từng ngồi hàng giờ đục đẽo, khắc chạm. Thế rồi từ chỗ đam mê đồ chơi mô hình như xe cộ, nhà cửa, anh tìm tòi, mày mò làm những mô hình kiến trúc.
Mô hình dãy phố cổ ở TP Nam Định do anh Nguyễn Văn Dũng thực hiện.
Ban đầu phục vụ công việc làm sa bàn tại Công ty Xây dựng và Kiến trúc Đông Tây, sau là anh muốn lưu lại những hình ảnh xưa cũ của thành Nam đang dần biến mất do quá trình đô thị hóa.
Tại Việt Nam, thú chơi, sưu tập mô hình cũng phổ biến từ lâu, như về các nhân vật trong phim, xe cộ, máy bay, siêu nhân… và giá trị của những bộ sưu tập này không nhỏ. Tuy nhiên, thay vì bỏ ra một đống tiền săn tìm những mô hình đắt đỏ của nước ngoài sản xuất, anh muốn tự mình làm ra các mô hình nhà ở Nam Định và Hà Nội.
Vậy là từ năm 2019, anh bắt tay vào làm một cách nghiêm túc. Tác phẩm mô hình kiến trúc đầu tay của anh chính là căn nhà cổ số nhà 140 Hàng Tiện. Thuộc thế hệ 8x và từng trải qua đủ nghề như mộc, đục, chạm, làm biển quảng cáo, học thiết kế, kiến trúc, anh không chỉ "phục dựng" ngôi nhà cổ sống động, mà còn thổi hồn vào từng nét điêu khắc.
Tuy nhiên, để biến niềm đam mê, thú chơi cá nhân thành một công việc mang lại thu nhập, đặc biệt là lưu giữ một phần hình ảnh phố Hàng, phố Bến và phố Cửa của thành Nam là cả một chặng đường dài mà anh hướng đến.
Với quyết tâm và đam mê, chàng trai sinh năm 1984 đã tạo được chuỗi mô hình nhà cổ, trong đó có nhà số 36 Châu Long (quận Ba Đình), 22 Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình, Hà Nội), trường mầm non 1/6 nằm trên phố Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhà 140 Hàng Tiện, 90 Hai Bà Trưng (Nam Định)...
Thổi hồn qua từng chi tiết
Sau hơn 5 năm mày mò, sáng tạo, đến nay anh Dũng đã chế tác được hàng trăm chiếc xe máy đời cũ và mô hình nhà cổ mang kiến trúc Pháp.
Loạt mô hình xe máy mini được thực hiện tỉ mỉ, kỳ công.
Chia sẻ về niềm đam mê đặc biệt, chàng trai thành Nam cho biết, được sinh ra tại một ngôi nhà Pháp cổ ở Nam Định, nên những thứ gần gũi, thân thương đều được anh tái hiện bằng tất cả tâm huyết.
Theo anh Dũng, để hoàn thành được một tác phẩm cần rất nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên phải nghiên cứu hình ảnh ngôi nhà thật bằng cách quan sát trực tiếp hoặc qua các tấm ảnh chụp. Sau đó, vẽ mô hình 3D rồi thiết kế bản vẽ 2D từ những chi tiết nhỏ nhất rồi thực hiện cắt ghép, kết nối các chi tiết thành mô hình. Cuối cùng, chỉnh sửa và làm cũ mô hình nhà bằng cách sơn sửa hiệu ứng.
Để làm một mô hình nhà theo tỷ lệ quốc tế 1:35, với những phần việc như chụp hình công trình ở nhiều góc khác nhau, đo đạc rồi chia tỷ lệ, lên bản vẽ, vẽ phác thảo lên vật liệu formex (là một loại nhựa PVC dạng xốp) rồi cắt gọt, anh sẽ mất khoảng 1 tháng. Với những mô hình lớn hơn, như tòa soạn Báo Hà Nội Mới mà anh vừa hoàn thành cho một khách hàng ở Hà Nội, thời gian sẽ là 2 tháng.
Điều ấn tượng nhất ở mỗi mô hình anh Dũng mang đến là những chi tiết nhỏ như phù điêu hoa lá, chấn song cửa sổ, lan can, cửa xếp đều rất thật và sắc nét. Tất cả đều được anh tự khắc tay.
Anh cho biết, trước đây, những chi tiết của cửa chính, cửa sổ anh sử dụng tăm tre hoặc dây đồng uốn lại rồi hàn tạo liên kết hoa văn. Sau này, anh dùng công nghệ in 3D để làm ra những ô cửa sổ, lan can, cửa xếp bằng nhựa. Thậm chí, những mô hình xe máy, ô tô và người theo tỷ lệ 1:35 cũng được anh sử dụng công nghệ in 3D để tạo nên.
Giấc mơ "thu nhỏ ký ức"
Anh Dũng tâm sự, mới đầu bắt tay vào công việc này chỉ vì đam mê. Lâu dần được bạn bè biết đến, giới thiệu, anh bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên.
Tòa soạn Báo Hà Nội Mới qua bàn tay khéo léo của chàng trai thành Nam.
Nhiều người đặt hàng bởi sự hoài niệm về ngôi nhà xưa cũ họ từng ở, về những chiếc xe cũ kỹ được bố mẹ đèo đi học thuở bé... những câu chuyện giờ chỉ có thể tái hiện qua ký ức. Vật liệu chủ yếu là những thứ thân thiện xung quanh mình như thạch cao, gỗ, nhựa, tấm fomex…
Anh Dũng cho hay, mỗi mô hình chiếc xe Honda mini có giá từ 500 nghìn đồng; mỗi ngôi nhà sau khi hoàn thiện có giá trung bình từ 2 - 5 triệu đồng, những công trình lớn, những sản phẩm hàng đặt hoặc cả dãy phố sẽ có giá lên đến 50 triệu đồng.
Trong tương lai, anh mong muốn có thể làm được thêm nhiều ngôi nhà cổ tương tự ở mọi nơi, đặc biệt ở Hà Nội, Nam Định trước khi chúng bị phá hủy và xuống cấp theo thời gian.
Khách hàng của anh chủ yếu là những người yêu mô hình và muốn lưu giữ quá khứ. Như anh Nguyễn Văn Phúc, người gốc Nam Định hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã gần 20 năm, là người đặt anh Dũng mô hình tái hiện dãy phố cổ của thành phố Nam Định với giá 30 triệu đồng.
Anh Phúc cho biết, trước đây anh sưu tầm các loại xe máy mini, sau dần anh mê tiểu cảnh mini. Biết đến anh Dũng thông qua mạng xã hội, lại cũng đồng hương Nam Định nên anh muốn lưu giữ kỷ niệm một thời gắn bó với phố cổ Nam Định qua mô hình mà anh Dũng sáng tạo.
"Điều quan trọng nhất của mô hình, ngoài sự tinh tế, tỉ mỉ còn đặt cả tình cảm, tâm huyết của người làm ra chúng. Dãy phố mà tôi đặt anh Dũng là kỷ niệm một thời cùng bố rong ruổi mưu sinh. Mỗi lần tôi nhìn vào đó, bao nhiêu câu chuyện thời niên thiếu lại ùa về", anh Phúc xúc động.
Đánh giá về những mô hình mà anh Dũng sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Tiến Thành, Quản trị viên nhóm Sa bàn Việt Nam cho biết, những món đồ mini không chỉ là mô hình mà nó còn là đồ vật lưu giữ ký ức.
"Điều đặc biệt nhất của những mô hình này là tận dụng được những chất liệu sẵn có trong cuộc sống. Sản phẩm của anh Dũng sáng tạo những điều thực tế đã diễn ra trong quá khứ, không theo một khuôn mẫu nhất định nào và quan trọng hơn cả là giá thành phụ thuộc vào cảm xúc của khách hàng", họa sĩ Thành cho hay.